Chống buôn lậu thuốc lá: Cần giải pháp mạnh hơn

06:15' - 02/12/2023
BNEWS Nhu cầu tiêu thụ và lợi nhuận cao do thuốc lá nhập lậu mang lại nên tình hình nhập lậu thuốc lá về lâu dài vẫn diễn biến phức tạp, không loại trừ thủ đoạn của các đối tượng ngày càng manh động.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), dù các đơn vị chức năng đã ráo riết vào cuộc nhằm đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá nhưng các đối tượng buôn lậu vẫn tìm mọi cách để đưa mặt hàng này vào tiêu thụ trong thị trường nội địa vì siêu lợi nhuận.

Bên cạnh thuốc lá điếu nhập lậu, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã và đang thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng nhiều đường khác nhau và có xu hướng gia tăng. Chính những hành vi buôn lậu này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Để trao đổi về vấn đề này, phóng viên TTXVN phỏng vấn ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.

Phóng viên: Thưa ông, mỗi năm lực lượng chức năng bắt giữ hơn 10 nghìn vụ vi phạm, tịch thu trên dưới 8 triệu bao thuốc lá nhập lậu. Song số lượng và số vụ buôn lậu thuốc lá bị phát hiện, bắt giữ còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thực tế. Xin ông cho biết lý do?

Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê: Trong công tác chống thuốc lá nhập lậu, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường đã chủ động, kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá nhiều điểm tập kết, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá nhập lậu, chuyển khởi tố nhiều vụ án hình sự.

Trong nội địa đã ngăn chặn được một số điểm nóng về thuốc lá nhập lậu, hạn chế tối đa tình trạng báy bán công khai tại các cửa hàng, khu vực công cộng tại một số nơi ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ và lợi nhuận cao do thuốc lá nhập lậu mang lại nên tình hình nhập lậu thuốc lá về lâu dài vẫn diễn biến phức tạp, không loại trừ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng manh động, liều lĩnh, đòi hỏi việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng; trong đó có lực lượng quản lý thị trường cần duy trì thường xuyên, xuyên suốt.

Phóng viên: Bên cạnh thuốc lá điếu nhập lậu, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng…) đang gây khó khăn thế nào đối với các lực lượng chức năng trong quá trình xử lý, thưa ông?

Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê: Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có khái niệm về thuốc lá và chế tài xử lý các hành vi vi phạm đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm; trong đó có đề cập thuốc lá điếu nhập lậu. Trong khi đó, quy định quản lý nhà nước đối với sản phẩm “thuốc lá thế hệ mới” chưa rõ ràng.

Việc bán các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới thông qua trang mạng xã hội, website thương mại điện tử dẫn đến khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tìm hiểu, thu thập thông tin, kiểm tra, xử lý do trong nhiều trường hợp không xác định được không gian cụ thể về địa điểm bán hàng, địa điểm chứa hàng hóa của các đối tượng kinh doanh.

Phóng viên: Thưa ông, vẫn còn ý kiến cho rằng văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang gây khó trong việc xử lý các hành vi buôn lậu thuốc lá điếu, ông có ý kiến gì về vấn đề này? Theo ông, giải pháp cần có trong thời gian tới là gì?

Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê: Cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá đạt hiệu quả cần phụ thuộc vào nhiều giải pháp. Trong đó, sự thống nhất trong quan điểm xử lý từ các văn bản pháp lý được coi là một yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự mâu thuẫn về quan điểm xử lý từ các văn bản pháp lý vô hình chung đã cản trở nhau, gây khó khăn trong quá trình thực thi, từ đó giảm hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Việc xác định thẩm quyền xử phạt dựa trên mức phạt tiền, giá trị tang vật tịch thu và biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, đối với hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu có quy định hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật (nếu không áp dụng biện pháp buộc tiêu hủy) dẫn đến việc phải xác định giá trị hàng hóa.

Trong khi đó, việc xác định giá trị hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu (hàng cấm) còn khó khăn do bản chất là hàng cấm thì cơ sở cho việc xác định giá còn nhiều khác nhau.

Cùng với đó, chưa có sự thống nhất giữa áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu hay buộc tiêu hủy theo quy định đối với loại hàng hóa gây hại cho sức khỏe con người. Việc áp dụng biện pháp buộc tiêu hủy thực hiện theo từng vụ việc đơn lẻ, không có quy trình cụ thể. Tổ chức, cá nhân vi phạm có trách nhiệm phải thực hiện và chịu chi phí cho việc thực hiện tiêu hủy.

Còn việc xử lý tiêu hủy đối với thuốc lá điếu nhập lậu bị tịch thu thực hiện theo Quyết định số 2371/QĐ-TTg và theo quy trình xử lý tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân, có cơ chế cấp hỗ trợ kinh tiêu hủy từ Quỹ phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả theo quy định tại Thông tư 19/2015-TT-BTC.

Để khắc phục những hạn chế, các lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp, thông tin; chủ động nắm tình hình, nhận diện phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động, đối tượng, đường dây, tuyến địa bàn trọng điểm về buôn lậu thuốc lá từ đó triển khai các biện pháp đấu tranh phòng, chống.

Cùng với đó, việc kiểm tra, rà soát các hành vi vi phạm liên quan đến mặt hàng thuốc lá trên thương mại điện tử cũng sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của các lực lượng chức năng trong thời gian tới.

Để ngăn chặn vấn nạn buôn lậu thuốc lá và nâng cao hiệu quả của công tác chống buôn lậu thuốc lá cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa. Bên cạnh việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật liên quan phù hợp với tình hình thực tế thì việc tăng cường trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng chống buôn lậu cũng là cần thiết.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục