Chống chọi với "họa" thiên tai: Phần 2 - Cấp bách tìm giải pháp

12:58' - 17/03/2016
BNEWS Các giải pháp cấp bách, ứng phó tình trạng hạn mặn đã được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai.

Trong chuyến làm việc với một số địa phương chịu ảnh hưởng của khô hạn mặn mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là phải đảm bảo nước ngọt, hợp vệ sinh cho người dân vùng thiệt hại,.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải làm tốt việc dẫn nước, chở nước, đắp đập, ngăn sông theo phương châm sáng tạo, linh hoạt, kiên quyết không để nhân dân bị thiếu nước sinh hoạt, sử dụng nước không hợp vệ sinh hoặc bị đói do thiên tai.

Các giải pháp cấp bách, ứng phó tình trạng khẩn cấp này đã được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai. 

Cán bộ huyện và người dân ấp Vườn Tre, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau trên mảnh ruộng bị chết khô vì hạn, mặn. Ảnh: Tràng Dương/TTXVN

Là ngành sử dụng nhiều nước nhất nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng xây dựng quy trình hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn Đồng bằng sông Cửu Long để phổ biến kịp thời đến người dân.

Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu sản xuất đối với từng địa phương để ứng phó với những diễn biến bất lợi của tình hình thời tiết, xâm nhập mặn.

Riêng đối với vụ Hè Thu 2016 và Mùa 2016 sắp tới, Cục Trồng trọt tập trung chỉ đạo địa phương bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn. Ngoài ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường... sẽ chú ý tới giống lúa phù hợp với diễn biến nguồn nước và tình hình xâm nhập mặn.

“Thời vụ lúa Hè Thu cần tập trung vào tháng 4, tháng 5. Không xuống giống lúa Xuân Hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiếu nước và là cầu nối dịch hại cho Hè Thu chính vụ.

Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có.” - ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh.

Vấn đề xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên trong những năm gần đây. Ảnh: TTXVN

Với tình hình nghiêm trọng trên, độ mặn thay đổi liên tục, các chuyên gia ngành thủy lợi cho rằng công tác dự báo là rất quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Tổng cục Thủy lợi cũng đánh giá việc dự báo về xâm nhập mặn là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong việc chỉ đạo để giúp cho nhân dân vùngĐồng bằng sông Cửu Long ứng phó. 

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi dự báo sẽ giúp nhân dân biết được khi nào mặn xảy ra để lấy nước, tránh thời điểm mặn gay gắt. 

Hiện nay, các cơ quan trực thuộc Tổng cục thường xuyên cập nhật thông tin về hạn hán và xâm nhập mặn ở các địa phương 1 tuần/lần và cung cấp cho các Bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, có những giải pháp phòng chống. Tổng cục cũng yêu cầu các địa phương theo dõi kịp thời những thông tin về dự báo khí tượng thủy văn đặc biệt là dự báo xâm nhập mặn để có những giải pháp ứng phó hiệu quả.

Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư xây dựng các hệ thống công trình thủy lợi để ngăn mặn, giữ ngọt đặc biệt là các công trình kiểm soát mặn của Nhà nước, giải pháp lâu dài cho công tác phòng chống mặn được ông Vũ Trọng Hồng đưa ra là cần xây dựng được quy hoạch phòng chống xâm nhập mặn; trong đó có tiêu chuẩn về lưu lượng đẩy mặn ở các cửa sông theo từng thời gian.

Quy hoạch này phải kết hợp với chiến lược sử dụng nước trong giải pháp chống hạn. Điều đó có nghĩa là phải tính toán, điều phối nguồn nước ở thượng nguồn các sông, phải dành một lưu lượng nước cho việc đẩy mặn, đặc biệt về mùa khô. 

Đối với khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, đến nay, các tỉnh khu vực này đã đầu tư xây dựng được trên 4.500 công trình thủy lợi. Mặc dù rất nhiều công trình thủy lợi đã được xây dựng trong thời gian qua nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của các ngành.

Ông Vũ Trọng Hồng cho rằng, cần có giải pháp tổng thể là “Bài toán cân bằng nước” trong phạm vi toàn lãnh thổ. Cụ thể, phải tính toán lượng nước đến (nước mưa, dòng chảy trong sông, suối, nước ngầm) và  nhu cầu lượng nước. Từ đó, xác định được lượng nước cần trữ; trong đó, có kể đến lượng mưa thiếu hụt của những năm bị hạn hán. 

Cho đến nay, chúng ta chưa giải được bài toán này để phục vụ cho chống hạn. Nguyên nhân chính là chưa xây dựng được “chiến lược sử dụng nước” để đi kèm với “chiến lược tài nguyên nước”. Trên cơ sở đó có kế hoạch xây dựng các hồ chứa, các trạm bơm, các kho nước ngầm.

Bà Đặng Thị Kim Nhung, Viện Quy hoạch Thủy lợi Việt Nam cho rằng, cần xây dựng những công trình trữ nước vùng hạ du các hồ thủy điện như: hồ chứa nhỏ, công trình thủy lợi tưới tại chỗ. Nếu không trữ nước thì dù có giải pháp liên kết hồ thì vẫn không thể hỗ trợ được vấn đề hạn hán. Tận dụng tối đa các vị trí có thể đầu tư các công trình trữ nước.

Đầu tư công trình rất lớn, nguồn lực Nhà nước rất khó khăn nhưng cũng phải tính đến giải pháp này nếu không vẫn không chủ động được trong công tác phòng chống hạn hán.

Ngoài ra, theo ông Vũ Trọng Hồng, Tây Nguyên rất dốc nên khi có mưa, nước mưa trôi đi hết. Do đó vùng này phải tập trung che phủ rừng. Đây là lớp thảm thực vật giữ nước chứ không phải là trồng cao su hay cà phê.

Đã có sự thử nghiệm này ở Sơn La trong 20 năm và lượng nước đã trở lại như cũ, do đó nâng cao độ che phủ rừng cần phải có sự kiên trì. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu lại chế độ tưới, cũng như đẩy mạnh tưới tiết kiệm./.

Xem thêm:

Chống chọi với hạn mặn: Phần 1 - Thiên tai lịch sử

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục