Chống chuyển giá: Bài 2 - Cần hoàn thiện khung pháp lý

14:44' - 21/02/2017
BNEWS Cục Thuế Hà Nội đang triển khai quyết liệt các giải pháp để phát hiện, ngăn chặn chuyển giá từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Mỗi vụ việc chuyển giá bị phanh phui, cơ quan thuế truy thu nộp ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng và giảm lỗ ở doanh nghiệp cả trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chống chuyển giá vẫn được xem là khó khăn nhất trong quản lý thuế hiện nay.

Đề cao tính tự nguyện của người nộp thuế

Trong những giải pháp để đấu tranh với hành vi chuyển giá, Cục Thuế Hà Nội xác định phải đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật bằng cách đề cao tính chấp hành, tự nguyện của người nộp thuế.

Theo đó, Cục Thuế Hà Nội tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tuân thủ chính sách, kê khai đúng, đủ thông tin giao dịch liên kết để nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế, hạn chế hành vi chuyển giá.

Hiện nay đơn vị đã thành lập Phòng chống chuyển giá, đồng thời có kế hoạch đào tạo chuyên sâu cho một số cán bộ chuyên trách về chống chuyển giá.

Cùng với đó, Cục Thuế Hà Nội sẽ tổ chức các cuộc hội thảo để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá.

Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng cục trưởng, kiêm Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, từ kết quả thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá trong thời gian qua, Cục Thuế Hà Nội nhận thấy cần tăng cường quản lý thuế trong lĩnh vực này.

Cụ thể, về việc xây dựng cơ sở dữ liệu, được xem là nội dung quan trọng đối với quản lý thuế trong lĩnh vực chống chuyển giá.

Do vậy, thời gian tới, Cục Thuế Hà Nội đặc biệt chú trọng việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chống chuyển giá.

Trước mắt là tập trung vào việc xây dựng tỷ suất lợi nhuận bình quân theo ngành nghề, lĩnh vực của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, các công ty đã được thanh tra, kiểm tra để xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của ngành.

Đây cũng chính là căn cứ quan trọng về mặt thông tin dữ liệu cho hoạt động thanh tra thuế nói chung và chống chuyển giá nói riêng.

 Nâng cao chất lượng chuyên môn

Năm 2017, Cục Thuế Hà Nội được Bộ Tài chính và thành phố Hà Nội giao dự toán thu ngân sách Nhà nước 187.572 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2016.

Xác định nhiệm vụ thu là hết sức nặng nề, trong khi nền kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, Cục Thuế Hà Nội đã đề ra 6 nhiệm vụ trong tâm của công tác thuế năm 2017, trong đó có việc tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chống chuyển giá, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật thuế.

Ông Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, "con người là gốc của công việc", vì vậy Hà Nội đang tập trung đào tạo một số cán bộ chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá; trong đó, đi sâu vào việc nâng cao kỹ năng thanh tra giá chuyển nhượng.

Cục đang mở các lớp đào tạo chuyên sâu, trang bị kiến thức về kinh tế ngành; tổ chức hội thảo để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá.

Bên cạnh yếu tố nâng cao chất lượng cán bộ, chuyên môn công chức ngành thuế Thủ đô; xây dựng cơ sở dữ liệu đối với các doanh nghiệp, ông Mạnh cũng phân tích, để chống chuyển giá hiệu quả cần thiết phải có hệ thống chính sách rõ ràng minh bạch, với chế tài đủ mạnh.

Do vậy, về trước mắt, Bộ Tài chính nên sửa đổi, bổ sung những bất cập của Thông tư 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010 về hướng dẫn xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, xây dựng Nghị định của Chính phủ về chống chuyển giá, tiến tới ban hành Luật Chống chuyển giá, thu hẹp các ưu đãi về thuế, cụ thể là hạn chế tối đa các chính sách xã hội trong ưu đãi thuế.

Đánh giá về cơ chế, chính sách trong chống chuyển giá, Chuyên gia - Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Minh Phong chỉ ra rằng, luật quy định có lãi mới nộp thuế, trong khi doanh nghiệp chẳng bao giờ bày ra tất cả để khẳng định là mình lãi.

Đây là một trong những khiếm khuyết về mặt luật pháp, cần phải xem xét lại để làm sao giảm thiểu tối đa việc lợi dụng, chính sách để chống chuyển giá.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, để khắc phục tình trạng chống chuyển giá, trước hết, cần thu hẹp các ưu đãi dễ gây lạm dụng (nhất là chênh lệch mức thuế giữa các địa phương); tăng cường yêu cầu kê khai thông tin giao dịch về doanh thu, chi phí.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần bổ sung những quy phạm pháp luật về quyền xác định giá, thương thảo giá trước, quyền ấn định thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động giao dịch liên kết chuyển giá.

Cùng đó, khung pháp lý cũng cần bổ sung quy phạm pháp luật về điều chỉnh đối với các dự án đang hoạt động kinh doanh có số lỗ vượt vốn chủ sở hữu; quy định lại các chi phí khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế đảm bảo rõ ràng, minh bạch, gắn với diễn biến chi phí thực tế trên thị trường.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng chỉ ra, ở một số nước trên thế giới như Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc... tiến hành xử phạt khá nặng đối với hành vi chuyển giá.

Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam cũng cần quy định rõ ràng về các chế tài thưởng phạt, toàn diện và nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp khai báo thuế không chính xác, kịp thời, tạo tính răn đe cho các doanh nghiệp./.

>>>Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo Nghị định liên quan chống chuyển giá

>>>Chống chuyển giá: Bài 1 - Cuộc chiến mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục