Chống hàng lậu, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng

15:33' - 02/12/2022
BNEWS Thời gian qua, vấn nạn vận chuyển, buôn bán hàng hóa, hàng giả diễn ra rộng khắp các tuyến cửa khẩu, quy mô tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng.

Việc sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả ngày càng tinh vi, len lỏi vào các sàn thương mại điện tử, gây thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất, thất thu ngân sách nhà nước và xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng. Để ngăn chặn và xử lý triệt để cần sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng, doanh nghiệp cho đến người tiêu dùng.

 

Đây là nội dung được các chuyên gia đề cập tại Tọa đàm “Chung tay chống hàng lậu, hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng” do Tạp chí Hải quan tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 2/12.

*Diễn biến phức tạp

Ông Nguyễn Văn Ổn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan nhận định: Thực tế thời gian qua, vấn nạn vận chuyển, buôn bán hàng hóa, hàng giả diễn ra rộng khắp các tuyến cửa khẩu, quy mô tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng, các cửa khẩu đường bộ, đường biển, sân bay quốc tế đều đã phát hiện tội phạm.

Cụ thể, tại các địa bàn tỉnh biên giới, các đối tượng sử dụng xe ôtô, xe máy, xuồng cao tốc hoặc mang vác, vận chuyển trái phép qua biên giới; thời gian vận chuyển thường vào ban đêm. 

Trước khi vận chuyển, sử dụng các đối tượng canh đường, theo dõi lực lượng chức năng; khi bị truy đuổi thì vứt bỏ lại phương tiện, tang vật chạy trốn, sau đó kích động người dân đến hiện trường chống người thi hành công vụ, kích động gây áp lực để tẩu tán hàng hóa. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường thuê người, phương tiện để vận chuyển hàng hóa gây khó khăn trong công tác điều tra đối tượng chính chủ mưu, cầm đầu.

Một số đối tượng đặt sản xuất hàng giả, giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập về tiêu thụ trong nước. Tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ được buôn bán tràn lan trên không gian mạng; các đối tượng lợi dụng các website, trang mạng xã hội như facebook, zalo... để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng.

Ngoài ra, một số đối tượng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để không khai báo, khai báo không đúng với hàng hóa thực nhập để trốn thuế, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện. Điều này khiến công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của ngành hải quan đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) cho biết: Dù không phát sinh nhiều điểm nóng mới nhưng ở một số thời điểm nhất định, tại các địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới Tây Nam, tuyến biển, tuyến đường hàng không và bưu chính quốc tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, mua bán, vận chuyển hàng cấm như ma túy, thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, vàng, ngoại tệ diễn biến khá phức tạp.

Hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng thương mại điện tử gia tăng cả về quy mô, tính chất, mức độ; gây tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Chia sẻ thực tế từ góc độ doanh nghiệp sản xuất, bà Đại Khả Quỳnh, Trưởng ban Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết: Các sản phẩm linh kiện, phụ tùng xe máy nhái, giả kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các nhãn hàng hiện nay không chỉ bày bán ở chợ mà còn tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Nhiều sản phẩm giả, nhái ngày càng tinh vi, thậm chí giả mạo danh nghĩa đại lý chính hãng để qua mắt người tiêu dùng.

Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2022 , VAMM đã phát hiện và phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý gần 300 trường hợp bán hàng giả, hàng nhái liên quan đến lĩnh vực phụ tùng xe máy. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, các vụ việc được cơ quan chức năng xử lý mới chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”.

Theo thống kê của ngành hải quan, tính đến ngày 15/10/2022, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 13.720 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.790 tỷ đồng; số thu ngân sách nhà nước đạt 265,841 tỷ đồng; cơ quan hải quan đã khởi tố 35 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 113 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái…

*Cần phối hợp đồng bộ

Ông Nguyễn Minh Tuấn dự báo: Trong những tháng cuối năm 2022, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước, nhất là tuyến biên giới đất liền Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, vùng biển Đông Bắc, Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và các địa bàn nội địa các tỉnh, thành phố Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam bộ sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Trước thực tế đó, các bộ ngành, địa phương phải thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển; hoạt động gian lận thương mại, trốn thuế, hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Các cơ quan trực tiếp thực hiện công tác chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả phải chủ động nắm chắc tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm cần tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian qua công tác chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt.

Tuy nhiên, vì lí do khách quan và chủ quan mà các đơn vị chủ yếu thực hiện các chuyên đề riêng lẻ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ nên hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. Để nâng cao hiệu quả thực hiện, cần có cơ chế phối hợp một cách chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin cũng như các công cụ hỗ trợ như thẩm định giá trị hàng hoá, kho chứa tang vật...

Bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng Tp. Hồ Chí Minh cho rằng:  Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, việc hoàn thiện quy định pháp luật là điều kiện kiên quyết hàng đầu. Theo đó, cơ quan chức năng phải rà soát, chỉnh sửa, thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, quan trọng là các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

Mặt khác phải tăng cường công tác khảo sát thị trường nhằm phát hiện, ngăn ngừa sản phẩm giả thâm nhập hệ thống phân phối. Có sự phối kết chặt chẽ giữa quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế để thông tin kịp thời về các sản phẩm giả trên thị trường, tìm kiếm hỗ trợ về mặt pháp lý, xử lý hàng giả một cách tích cực, triệt để, không vì giá trị nhỏ mà bỏ qua.

Theo bà Phan Thị Việt Thu, hiệu quả việc chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ dựa vào trách nhiệm của các ngành chức năng mà còn phụ thuộc vào trách nhiệm của người tiêu dùng. Bên cạnh một số người tiêu dùng bị lừa dối cũng có người tiêu dùng chủ động tiếp cận, mua và sử dụng các sản phẩm từ buôn lậu, giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng vì tâm lý ham rẻ, đẹp, có thương hiệu.

Vì vậy, để chống hàng lậu, hàng gian, hàng giả mỗi người tiêu dùng phải có trách nhiệm tìm hiểu thông tin, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiên quyết nói không với các sản phẩm vi phạm.

“Đối với doanh nghiệp, việc hợp tác chống hàng giả, hàng lậu không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của doanh nghiệp, vì đó cũng nhằm bảo vệ thương hiệu và sự nghiệp kinh doanh của chính mình. Cho nên, để chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp phải mạnh dạn tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng để tận dụng các biện pháp chế tài theo qui định pháp luật, kịp thời đưa ra những hình thức khuyến thưởng dành cho người tiêu dùng phát hiện hàng giả…

Đồng thời dự liệu các chương trình thay đổi mẫu mã sản phẩm và thông báo, hướng dẫn để người tiêu dùng nắm bắt, định kỳ tổ chức rà soát thị trường để phát hiện hàng giả.”, bà Phan Thị Việt Thu khuyến nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục