Chốt phiên giao dịch ngày 6/12, nhóm cổ phiếu ngân hàng “nhuộm đỏ”

15:14' - 06/12/2021
BNEWS Chốt phiên giao dịch ngày 6/12, có 26/27 mã cổ phiếu của nhóm ngân hàng đều giảm mạnh, riêng TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong đi ngang.

5 mã cổ phiếu có mức giá giảm mạnh nhất theo thứ tự gồm: PGB của Ngân hàng TMCP xăng dầu Việt Nam giảm 8,5%; BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt giảm 6,8%; EIB của Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (EXIMBANK) giảm 6,7%; HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh giảm 6,1%; LPB của Ngân hàng Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) giảm 5,8%.

Theo ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư quỹ DG Investment, khả năng thu hút của nhóm cổ phiếu ngân hàng phụ thuộc khá lớn vào triển vọng của ngành này trong quý cuối năm; nhất là phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng tín dụng và xử lý nợ xấu.

Thông tin tích cực là Ngân hàng Nhà nước đã chính thức phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho nhiều ngân hàng thương mại. Động thái nới room tín dụng cho thấy chỉ số an toàn ở nhiều ngân hàng ở mức tốt, không quá ảnh hưởng bởi đợt giãn cách xã hội trong quý III/2021. Lũy kế lợi nhuận chín tháng qua của hầu hết các ngân hàng vẫn tăng.

Vì vậy, tác động lớn nhất đến tâm lý của nhà đầu tư đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là những lo ngại về nợ xấu. Báo cáo chiến lược công bố đầu tháng 10/2021 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nợ xấu và nợ được cơ cấu lại của ngành ngân hàng được dự báo sẽ tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2021, ảnh hưởng lên tốc độ và độ lớn của trích lập dự phòng. Tuy nhiên, nợ xấu sẽ có độ trễ trong việc hình thành, đồng thời có sự lệch pha giữa tốc độ tăng nợ xấu của các ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính quý III/2021 được tổng hợp, dư nợ xấu tuyệt đối tại 27 ngân hàng niêm yết đã tăng lên 111.000 tỷ đồng, cao hơn 26% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu trung bình của 27 ngân hàng này hiện là 1,76%, tăng nhẹ hơn 0,06% so với cuối năm 2020 và vẫn trong ngưỡng an toàn.

Tuy nhiên, nhìn nhận lạc quan hơn về nhóm cổ phiếu ngân hàng, Công ty chứng khoán  MBKE, ngành Ngân hàng Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ sinh lợi cao với ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) ở mức 18-25% trong năm 2022.

Do đó, dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng dự báo sẽ hồi phục từ quý I/2022 khi thị trường dần nhận ra rằng các ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và khả năng sinh lời mạnh mẽ; rủi ro nợ xấu không nghiêm trọng như những nhận định trước đó./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục