Chủ đề kinh tế nóng lên trong cuộc đua vào Nhà Trắng

10:06' - 28/06/2016
BNEWS Theo kết quả của một cuộc khảo sát mới nhất, người Mỹ đánh giá ông Donald Trump có năng lực hơn bà Hillary Clinton trong các vấn đề kinh tế.
Chủ đề kinh tế nóng lên trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ảnh: fortune.com

Nhật báo Les Echos (Pháp) số ra mới đây có bài phân tích về năng lực điều hành kinh tế của hai ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump.

Theo kết quả của một cuộc khảo sát mới nhất, người Mỹ đặt nhiều niềm tin vào ông Donald Trump hơn trong việc tạo công ăn việc làm. Trong khi đó, bà Clinton gặp bất lợi vì hình ảnh của bà gắn với những năm cầm quyền của ông Obama và cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ diễn ra năm 2008.

Cách đây ít ngày, trong một nỗ lực thu hút sự ủng hộ của cử tri, phát biểu tại bang Ohio – một bang quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử, bà Hillary Clinton đã mô tả ông Donald Trump là người không thích hợp để giám sát nền kinh tế của Mỹ, cho rằng những chính sách "liều lĩnh" của nhà tài phiệt này sẽ "đưa nước Mỹ lại rơi vào suy thoái" và khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Bà cho rằng thành tích kinh doanh của ông Trump là dấu hiệu cho thấy cách thức mà tỷ phú này sẽ quản lý nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhấn mạnh ông Trump "không nên nắm quyền kiểm soát nền kinh tế Mỹ".

Theo bà Clinton, những ý tưởng của ông Trump về nền kinh tế và thế giới sẽ khiến hàng triệu người Mỹ mất việc làm. Bà cũng viện dẫn nhiều vụ phá sản và những vụ kiện tụng cáo buộc hành vi gian lận liên quan tới Đại học Trump, một hoạt động kinh doanh giáo dục sinh lợi nhuận của đối thủ đảng Cộng hòa.

Ngoài ra, cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng nhắc tới 3.500 vụ kiện tụng nhằm vào các ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa trong 30 năm qua và một báo cáo được công ty Moody’s Analytics công bố, trong đó dự đoán những đề xuất kinh tế của ông Trump sẽ gây ra "một cuộc suy thoái kéo dài" và khiến 3,5 triệu việc làm bị mất đi chỉ riêng trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Ông Trump ngay sau đó đã lập tức "phản pháo" trước những chỉ trích của đối thủ đảng Dân chủ. Trên tài khoản mạng xã hội của mình, "ông trùm" bất động sản này khẳng định sẽ quản lý nền kinh tế hiệu quả hơn bà Clinton, đồng thời chỉ trích thời gian bà Clinton giữ chức Ngoại trưởng đã khiến thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng vọt 40% và điều này khiến người Mỹ mất hàng triệu việc làm.

Ông Trump cũng đề cập vụ bê bối sử dụng tài khoản thư điện tử cá nhân để xử lý việc công của bà Clinton, cho rằng điều này đặt an ninh nước Mỹ trước nhiều nguy cơ.

Với phát biểu công kích mới nhất nhằm vào ông Trump, cựu Ngoại trưởng Clinton hy vọng sẽ thuyết phục cử tri rằng bà là người chèo lái nền kinh tế Mỹ tốt hơn nếu trở thành Tổng thống. Hiện bà Clinton đang có một lợi thế lớn về mặt tài chính khi các báo cáo gây quỹ công bố mới đây cho thấy nữ chính khách này đã huy động được 42 triệu USD từ các nhà tài trợ, bỏ xa con số 1,3 triệu USD trong ngân quỹ tranh cử của đối thủ Trump.

Với lợi thế này, bà Clinton có thể thuê tuyển nhiều nhân viên và chi "đậm" cho các chương trình quảng bá hình ảnh trên truyền hình cũng như ngoài trời ở các bang mà cuộc cạnh tranh giữa bà và tỷ phú Trump diễn ra căng thẳng nhất. Kết quả cuộc thăm dò mới nhất do Reuters/Ipsos thực hiện cho thấy chênh lệch tỷ lệ ủng hộ hai ứng cử viên sáng giá của đảng Dân chủ và Cộng hòa đang ngày càng thu hẹp.

Theo đó, có 44,5% số người được hỏi ủng hộ bà Clinton trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, trong khi có 35,5% hy vọng ông Trump sẽ là chủ nhân mới của Nhà Trắng.

Như vậy, ở thời điểm hiện tại, bà Hilary dẫn trước ông Trump 9%, giảm so với mức cách biệt 14,3% theo kết quả thăm dò công bố vào ngày 12/6 vừa qua. Một vấn đề quan trọng khác cũng được coi là tâm điểm cuộc bầu cử năm nay là kiểm soát súng đạn.

Các dân biểu đảng Dân chủ tại Hạ viện đã kêu gọi bỏ phiếu về luật kiểm soát súng ống. Để đối phó với việc này, đảng Cộng hòa hiện kiểm soát Hạ viện sáng 23/6 đã biểu quyết để tạm nghỉ họp cho đến ngày 5/7 tới. Đảng Dân chủ đề nghị mở rộng việc kiểm soát lý lịch và những hạn chế khác để ngăn chặn những phần tử khủng bố và những cá nhân nguy hiểm khác mua súng.

Nền kinh tế Mỹ mới đây được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định nhìn chung đang trong tình trạng tốt, khi tăng trưởng mạnh hơn các nền kinh tế phát triển hàng đầu khác, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục gần chín năm và lạm phát được kiểm soát.

Theo IMF, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhiều lần cho thấy khả năng ứng phó trước sự biến động của thị trường tài chính, đồng USD mạnh và nhu cầu toàn cầu yếu.

Tuy nhiên, thể chế tài chính này cũng chỉ ra rằng việc đồng USD mạnh, tăng trưởng đầu tư kinh doanh tăng chậm và những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đặt ra những thách thức ngắn hạn đối với kinh tế Mỹ.

Các xu hướng bất lợi sẽ âm thầm cản bước tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong tương lai nếu không sớm được giải quyết, đặc biệt là bốn thách thức gồm sự tham gia lực lượng lao động giảm, tăng trưởng năng suất thấp, bất bình đẳng thu nhập gia tăng và tỷ lệ nghèo cao.

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay từ mức 2,4% được đưa ra hồi tháng Tư xuống 2,2%. Nguyên nhân được đưa ra là do tác động của tăng trưởng chậm hơn của kinh tế toàn cầu, sự giảm sút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng do giá dầu rẻ và chi tiêu tiêu dùng trong nước yếu hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục