Chủ động điều tiết nông sản, thực phẩm khu vực phía Nam

16:54' - 23/07/2021
BNEWS Tổ công tác tiền phương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức họp trực tuyến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành về việc, điều tiết tiêu thụ nông sản, thực phẩm

Trước diễn biến phức tạp và lây lan nhanh của dịch COVID-19 tại các tỉnh thành phía Nam, ngày 23/7, Tổ công tác tiền phương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức họp trực tuyến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành về việc, điều tiết tiêu thụ nông sản, thực phẩm tại chỗ và hỗ trợ các địa phương khác trong vùng dịch.

*Nguồn cung rau củ dồi dào

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay sản lượng rau quả của tỉnh đảm bảo cân đối giữa tiêu thụ tại chỗ và cung ứng cho các vùng dịch như Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung.

Hiện nay giá nhiều mặt hàng rau củ tại chỗ đã tăng từ 30 -70% do nhu cầu tiêu dùng tăng và các chi phí khác cũng tăng theo.

Để đảm bảo cung ứng đủ cho các địa phương trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã thống kê danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã có khả năng cung ứng  số lượng lớn rau, củ để các đơn vị phân phối ở địa phương khác có thể kết nối trực tiếp khi cần.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, nhận định nhu cầu tiêu dùng rau củ sẽ tiếp tục tăng, trong khi mặt hàng hoa lại tiêu thụ rất chậm, hiện nay ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã hướng dẫn nông dân điều chỉnh một số diện tích trồng hoa cắt cành sang trồng các loại rau củ phù hợp. Việc này không chỉ giúp bổ sung nguồn cung rau, củ cho các tỉnh mà còn giải quyết được vấn đề sản xuất, tiêu thụ cho nông dân địa phương.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Kiên Giang.. đều cho biết, nguồn nông sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung ứng đủ cho tiêu thụ của địa phương và có dư một phần để cung ứng cho Tp. Hồ Chí Minh. Theo đó, nhiều loại trái cây đang vào mùa thu hoạch, có sản lượng lớn như: nhãn, chôm chôm, thanh long tiêu thụ chậm

Thống kê của Tổ công tác đặc biệt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, sản lượng rau củ toàn miền Nam dự kiến đạt 10,7 triệu tấn/năm.

Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mỗi tháng cung cấp cho thị trường 430.000 tấn rau củ. Ngoài việc cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của khoảng 18 triệu người vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 10 triệu người ở Tp.Hồ Chí Minh, mỗi tháng vẫn còn dư 100.000 tấn phục vụ các khu vực khác và xuất khẩu.

Tuy nhiên, khó khăn chung tại nhiều địa phương là việc việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi vẫn còn bị thắt chặt. Có nơi thương lái rất khó khăn trong đi lại thu mua nông sản do vướng quy định về đi lại, xét nghiệm COVID-19. Ngoài ra, nhiều nhà máy, cơ sở chế biến cũng đang phải tạm dừng do có người nhiễm COVID-19.

Do đó, Tổ công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Tp. Hồ Chí Minh xem xét, mở cửa một phần các chợ đầu mối, các địa phương khác cũng nghiên cứu cho mở các điểm tập kết hàng để trung chuyển nông sản, thực phẩm đến nơi tiêu thụ.

Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, các loại vật tư nông nghiệp ra vào tỉnh, thành được lưu thông thuận tiện, đáp ứng nhu cầu duy trì sản xuất.

* Trái cây và lúa Hè Thu tiêu thụ chậm

Trong khi sức mua các loại rau củ tăng thì nhiều loại trái cây và lúa gạo vụ Hè Thu tại các tỉnh miền Tây Nam bộ đang gặp khó khăn cả về thu hoạch lẫn tiêu thụ.

Theo số liệu của Cục trồng trọt, vụ lúa Hè Thu 2021, Đồng bằng sông Cửu Long có 1,56 triệu ha, đến nay mới chỉ thu hoạch được hơn 400.000 ha, trong khoảng 1 tháng tới phải thu hoạch 1,1 triệu ha còn lại.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, hiện nay việc thu hoạch, tiêu thụ lúa Hè Thu trên địa bàn đang gặp khó khăn khiến giá lúa gạo, đăc biệt là nếp giảm.

Theo đó, các doanh nghiệp xay xát lúa trên địa bàn không thực hiện được “3 tại chỗ” nên phải tạm đóng cửa. Trong khi đó, các thương lái, ghe tàu từ tỉnh khác đến thu mua, vận chuyển cũng rất hạn chế do vướng các chốt kiểm soát và yêu cầu giấy xét nghiệm COVID-19.

Đề cập cùng vấn đề, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Trà Vinh, Hậu Giang đều thông tin: việc thu hoạch, tiêu thụ lúa Hè Thu tại địa phương hiện nay rất chậm khiến giá lúa giảm.

Trong đó, vấn đề điều phối các máy gặt đập liên hợp, các phương tiện vận chuyển khó khăn khiến số lượng thương lái đến thu mua thưa thớt. Một số khu vực có ca mắc COVID-19, người dân không thể ra đồng thu hoạch, chính quyền địa phương phải hỗ trợ lực lượng đến thu hoạch giúp.

Đối với trái cây, ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, hiện nay đang vào vụ thu hoạch nhãn, dâu  với sản lượng khoảng 200 tấn/ngày nhưng việc tiêu thụ rất chậm.  Nguyên nhân là người dân chỉ tập trung mua sắm lương thực, thực phẩm, sức mua trái cây tại chỗ giảm trong khi việc vận chuyển đi các nơi khác gặp khó khăn.

Theo ông Phạm Trường Yên, hầu hết các loại trái cây được sản xuất ở quy mô nông hộ, tiêu thụ tại các chợ truyền thống địa phương và đưa về chợ đầu mối tại Tp. Hồ Chí Minh. Khi các chợ đầu mối của Tp. Hồ Chí Minh đóng cửa, thương lái không có địa điểm tập kết phân phối dẫn đến đầu ra bị tắc.

Tương tự, tại Vĩnh Long, Sóc Trăng đang xảy ra tình trạng đến mùa thu hoạch trái cây nhưng thiếu nhân công và khả năng tiêu thụ chậm hơn những vụ trước.

Trong khi đó, các tỉnh Long An và Tiền Giang đang gặp vấn đề về tiêu thụ trái thanh long do phía Trung Quốc đột ngột thông báo ngừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Vân Nam trong vòng 1 tháng (18/7-17/8) chưa rõ lý do.

Để giải quyết vấn đề thu hoạch và tiêu thụ lúa Hè Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương chủ động giải quyết các vấn đề theo đúng chức năng, thẩm quyền trong việc điều phối các máy gặt đập, đáp ứng yêu cầu thu hoạch kịp thời, đúng mùa vụ.

Đồng thời, tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVD-19 tỉnh để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong việc cho phép nhà máy xay xát hoạt động; tạo điều kiện để thương lái và các phương tiện vận chuyển đến thu mua mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Đối với các sản phẩm trái cây đang vào mùa thu hoạch, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu sở Nông nghiệp các tỉnh lập danh sách theo chủng loại, đầy đủ thông tin về thời gian thu hoạch, sản lượng dự kiến và đầu mối liên hệ để Tổ công tác của Bộ kết nối với các doanh nghiệp thu mua, phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Riêng với trái thanh long, các tỉnh có sản lượng lớn như: Long An, Tiền Giang liên hệ ngay Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản để được hỗ trợ, điều phối đưa hàng sang các cửa khẩu khác, tránh tình trạng đưa hàng ồ ạt lên biên giới phía Bắc và bị kẹt lại sẽ rất khó xử lý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục