Chủ động kịch bản cho sản xuất nông nghiệp sau thời gian giãn cách

17:01' - 09/09/2021
BNEWS Trong mọi diễn biến của dịch COVID-19, nhiệm vụ ngành nông nghiệp là đảm bảo duy trì sản xuất đúng thời vụ và cung ứng đủ nông sản, thực phẩm cho các địa phương trong khu vực, cả nước và xuất khẩu.

Chính vì vậy, mỗi địa phương, ngành hàng, doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án phục hồi, lên sẵn kịch bản cho chu kỳ sản xuất mới sau thời gian giãn cách.

Phát huy vai trò điều phối

Trong thời gian các tỉnh thành phía Nam áp dụng giãn cách xã hội, Tổ công tác 970 ngành nông nghiệp đã phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp và nông dân duy trì sản xuất, kết nối cung ứng lương thực thực phẩm, nông sản cho các điểm nóng dịch COVID-19 như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Ông Lê Thanh Tùng, thành viên Tổ công tác 970 thông tin, sau 50 ngày hoạt động, Tổ công tác đảm bảo được nguồn cung ứng nông sản cho toàn khu vực nói chung, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân Tp. Hồ Chí Minh yên tâm chống dịch.

Tính đến ngày 8/9, Tổ công tác đã kết nối được 1.420 đầu mối cung cấp nông sản ở tất cả các nhóm hàng như rau củ quả  trái cây, thủy hải sản, lương thực và các mặt hàng khác. So với ngày đầu thực hiện kết nối tiêu thụ nông sản (19/7), số lượng đầu mối tăng gần 100 lần.

Song song với việc xây dựng mạng lưới nhà cung cấp, Tổ công tác 970 còn kết nối cung - cầu qua trang web: https://htx.cooplink.com.vn. Mục đích là đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản khi người mua và người bán tự tìm được số điện thoại và thông tin sản phẩm cần mua và cần bán trên web.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 song thời gian qua các sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai vẫn được Tổ công tác 970 tích cực kết nối với thị trường tiêu thụ. Trong đó, các sản phẩm thịt lợn, gà, trứng gia cầm vẫn được Tp. Hồ Chí Minh tiêu thụ khá tốt, tạo đầu ra cho người nông dân yên tâm sản xuất liê tục.

Tương tự, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương chia sẻ, Bình Dương đang là một trong những “điểm nóng” dịch COVID-19 nhung nhờ sự đồng hành, hỗ trợ của Tổ công tác 970, nhiều sản phẩm của tỉnh như trứng, thịt lợn, gà vẫn được kết nối tiêu thụ liên tục không chỉ trong tỉnh mà còn cung ứng một phần cho Tp.Hồ Chí Minh.

Song song đó, thời điểm Bình Dương bùng phát dịch, Tổ công tác 970 cũng hỗ trợ kết nối các tỉnh, thành khác cung cấp các combo nông – thủy sản phục vụ nhu cầu người dân các khu vực cách ly, phong tỏa. Nhờ đó, Bình Dương cơ bản cân đối được cung – cầu nông sản, thực phẩm cho người dân trên địa bàn trong thời gian qua.

Ngoài  việc kết nối thiêu thụ, công tác chỉ đạo điều hành sản xuất cũng được Tổ công tác 970 đặc biệt chú trọng. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của cả nước, Tổ đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thu hoạch lúa Hè Thu kịp thời, đảm bảo năng suất và chất lượng. Riêng trong tháng 8, thu hoạch xong khoảng 400.000 ha, năng suất 5,76 tấn/ha, với sản lượng 2,3 triệu tấn.

Đến hết tháng 8, lúa Thu Đông đã gieo sạ 500.000 ha, đạt 70% so với kế hoạch, ước cả vụ sẽ xuống giống 700.000 ha. Dự kiến sản lượng lúa những tháng còn lại là 8,78 triệu tấn. Ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực cho phần thiếu hụt của vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo đảm bảo yêu cầu an toàn lương thực và xuất khẩu.

Về rau, sản lượng vùng ước đạt 3,83 triệu tấn. Dự kiến thu hoạch những tháng còn lại là 54.000 ha với khoảng 986.000 tấn. Ngoài việc cung ứng cho vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long còn gần 1,5 triệu tấn rau củ các loại cần được tiêu thụ. Về trái cây, sản lượng thu hoạch trái cây đạt 4 triệu tấn. Dự kiến sản lượng những tháng còn lại là khoảng 1,75 triệu tấn.

Xây dựng phương án phục hồi sản xuất

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, áp lực lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là cá tra đã quá size nhưng không kịp thu hoạch và chế biến.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp vừa khó khăn trong tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”,  trong khi lao động rất khó di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác để thu hoạch sản phẩm làm tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, chế biến.

Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến cá tra đều có nhu cầu tăng công suất chế biến để giải quyết đầu ra cho cá nguyên liệu đã quá lứa nhưng vẫn vướng quy định “giãn cách” chỉ tổ chức tối đa cho 50% số người lao động làm việc “3 tại chỗ”.

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, doanh nghiệp mong muốn các địa phương tạo điều kiện công nhận “tương đương” các biện pháp kiểm soát dịch giữa các địa phương để người lao động đủ điều kiện có thể di chuyển đến nơi làm và đi thu mua nguyên liệu.

Đồng thời kiến nghị ngành y tế xem xét cho phép doanh nghiệp chỉ xét nghiệm PCR hàng tuần, đối với 20% lực lượng công nhân đã cố định theo phương thức “3 tại chỗ”, hoặc tiến hành test nhanh để giảm áp lực cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Đối với địa phương, bà Khanh đề xuất, tùy vào thực tế kiểm sóat dịch bệnh các tỉnh, thành chủ động lên phương án cho việc khôi phục hoạt động sản xuất sau thời gian giãn cách càng sớm càng tốt và thông tin để doanh nghiệp xây dựng đội ngũ lao động “xanh” đáp ứng yêu cầu sản xuất trong điều kiện mới.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh thông tin: Trong thời gian Tp. Hồ Chí Minh giãn cách xã hội, các tỉnh thành khu vựa phía Nam đã tích cực hỗ trợ cung ứng nông sản, lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của gần 10 triệu dân.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của việc thu hẹp hệ thống phân phối cũng như thực hiện phương châm “ai ở đâu ở yên đó” nên nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm của Tp. Hồ Chí Minh giảm sút khá nhiều. Thêm vào đó, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương thời gian đầu giãn cách gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến đầu ra của nhiều tỉnh, thành.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, để khắc phục sự đứt gãy của chuỗi cung ứng hàng hóa, nông sản, hiện nay Tp. Hồ Chí Minh đã từng bước tổ chức điểm trung chuyển tại hai chợ đầu mối nông sản lớn là Bình Điền và Hóc Môn. Các điển trung chuyển này sẽ giải quyết một phần nhu cầu tập kết đầu ra cho nông sản các tỉnh lân cận, phục vụ nhu cầu của người dân Tp. Hồ Chí Minh khi được nới lỏng giãn cách.

Về lâu dài, Sở Nông nghiệp sẽ phối hợp Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh lên phương án dự báo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm của thành phố những tháng cuối năm và kết nối với các địa phương có nguồn cung để thiết lập lại chuỗi cung ứng – tiêu thụ ổn định hơn.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, tình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở một số tỉnh, thành nhưng cũng có một số địa phương đã đạt được mục tiêu kiểm soát.

Do đó, mỗi địa phương, ngành hàng, doanh nghiệp căn cứ tình hình tại địa bàn mình để xây dựng phương án phục hồi sản xuất càng sớm càng tốt. Đồng thời, có thể đề xuất các mô hình thí điểm trước và nhân rộng khi đủ điều kiện để từng bước đưa sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản trở lại trạng trái bình thường mới.

Ngành nông nghiệp mỗi địa phương vẫn tiếp tục duy trì tổ kết nối tiêu thụ nông sản và chủ động phối hợp với các địa phương khác, đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh trong việc xây dựng chuỗi cung ứng – tiêu thụ nông sản, đảm bảo cả đầu ra cho nông dân và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và sau dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục