“Chú gà đẻ kim cương” của CEO Bernard Arnault
Kết quả này cũng giúp ông vượt qua nhà sáng lập Jeff Bezos của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon, người lâu nay thống trị “ngôi vương” trên bảng xếp hạng của Forbes.
* Bảy ngày giằng co
Là ông chủ của thương hiệu xa xỉ phẩm số một quốc gia Tây Âu Louis Vuitton Moët Hennessy (LVMH), Bernard Arnault hiện đang nắm giữ khối tài sản trị giá 192,4 tỷ USD so với con số 187,0 tỷ USD của nhà sáng lập Bezos (tính đến ngày 28/5/2021).
Cụ thể, khối tài sản kếch xù của ông Arnault đã tăng đến 1,8 tỷ USD chỉ trong một đêm, sau khi giá cổ phiếu của LVMH tăng đến 1% vào ngày 27/5 tại châu Âu. Trong khi đó ở chiều ngược lại, giá cổ phiếu của Amazon lại giảm 1% vào cùng thời điểm, làm “bốc hơi” gần 700 triệu USD giá trị tài sản ròng của CEO Jeff Bezos.
Tuy nhiên, nếu tính từ đầu tuần, hai người đàn ông này đã ghi nhận thêm gần 7 tỷ USD vào khối tài sản của mình.
Ông chủ Bernard Arnault khởi đầu tuần mới với ngôi vị người giàu nhất hành tinh hôm 24/5. Khi ấy, tài sản của ông được định giá ở mức 186,3 tỷ USD - cao hơn so với ông Bezos khoảng 300 triệu USD. Tuy nhiên sau đó, giá cổ phiếu của Amazon đã bật tăng sau khi thị trường New York mở cửa và nhà sáng lập Bezos đã giành lại danh hiệu này chỉ trong vòng vài giờ.
Điều tương tự lại xảy ra vào hôm 25/5. Ông Arnault khởi đầu ngày mới ở vị trí số một nhưng sau đó lại nhanh chóng nhường lại “thế thượng phong” cho vị CEO 57 tuổi.
Đây không phải là lần đầu tiên thế giới chứng kiến cuộc chạy đua giữa hai ông chủ thương hiệu này. Hồi năm 2019 đã có ít nhất hai cuộc rượt đuổi tương tự để giành lấy vị trí người giàu nhất hành tinh trong bảng xếp hạng của Forbes.
* “Chú gà đẻ kim cương”
Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, tại châu Âu, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Bernard Arnault - người đàn ông giàu có nhất châu Âu khi ấy.
Tháng 5/2020, giá cổ phiếu của LVMH giảm đến 19%, phần lớn do người dân không còn nhu cầu mua sắm túi xách Fendi hoặc đồng hồ Bulgari trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Vào thời điểm này, nhiều phương tiện truyền thông đã châm biếm rằng số tiền mà ông Arnault để mất tương đương với số tiền mà CEO Bezos đã kiếm được kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy ông Arnault chịu tổn thất vì đại dịch. Có vẻ như không có bất cứ điều gì, kể cả đại dịch toàn cầu hay một cuộc suy thoái kinh tế, có thể ngăn cản LMVH tiếp tục mở rộng, gây ảnh hưởng và sáng tạo.
Như một minh chứng rõ ràng nhất của việc này, khối tài sản của ông Arnault đã thay đổi ngoạn mục từ mức 76 tỷ USD hồi tháng 3/2020 lên 192,4 tỷ USD ngày 28/5/2021, ghi nhận mức tăng lên đến 116 tỷ USD chỉ trong 14 tháng nhờ màn trình diễn xuất sắc bất chấp đại dịch của “đứa con cưng” LVMH.
Vị Chủ tịch 72 tuổi được mệnh danh là “sói già mặc cashmere” với những ý tưởng kinh doanh mạnh mẽ, dứt khoát và sẵn sàng chấp nhận những rủi ro lớn. Trong khi các đối thủ cạnh tranh “co rúm” lại vì sợ hãi, LVMH của CEO Arnault đã có bước đi táo bạo, từng bước thúc đẩy sự phát triển trong tương lai thông qua những khoản đầu tư lớn.
“Tôi không quan tâm đến những con số trong sáu tháng. Điều tôi quan tâm là sự khao khát đối với thương hiệu này trong 10 năm tới sẽ vẫn như ngày hôm nay” – CEO Bernard Arnault khẳng định.
Một trong những điểm mạnh lớn nhất của CEO Arnault là sự thức thời trong kinh doanh. Tháng 1/2021, ông đã chi gần 16 tỷ USD để mua lại hãng chế tác trang sức Tiffany & Co (Mỹ), qua đó kết thúc nhiều tháng đàm phán đầy kịch tính giữa hai biểu tượng của lĩnh vực hàng xa xỉ.
Trong một thông cáo báo chí, LVMH cho biết: “Việc mua lại nhà sản xuất trang sức biểu tượng của Mỹ lần này sẽ góp phần thay đổi một cách sâu sắc và triệt để phân khúc kinh doanh Đồng hồ & Trang sức của LVMH, đồng thời là mảnh ghép hoàn hảo dành cho ‘đại gia đình’ với 75 thương hiệu nổi bật”.
Trước đó, hồi đầu năm 2020, nhằm đáp ứng nhu cầu người dân Pháp đổ xô đi mua nước rửa tay vì lo sợ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, LVMH đã chuyển hướng sản xuất mặt nạ bảo hộ và nước sát khuẩn tay kể từ giữa tháng 3/2020 để phân phối cho các bệnh viện và người dân nước này trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Cuối cùng, khi nhắc đến Bernard Arnault người ta không thể không nhắc đến nguyên tắc kinh doanh gia đình là trên hết. Một đặc điểm chung của nhiều thương hiệu thuộc LVMH là được bắt đầu như các doanh nghiệp gia đình, giống như công ty riêng của ông Arnault. Tuy nhiên, đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Vị CEO người Pháp từng khẳng định rằng công ty gia đình, đặc biệt là trong ngành hàng xa xỉ, là chìa khóa thành công.
Đứng đầu một đế chế thời trang lừng lẫy, cũng là dễ hiểu khi ông Bernard Arnault định hướng cho các con theo đường kinh tế từ nhỏ.
Con gái đầu lòng của ông Delphine Arnault là người phụ nữ đầu tiên và trẻ tuổi nhất gia nhập vào hội đồng quản trị của LVHM. Cô chính là người đứng sau nhiều mối quan hệ hợp tác giữa Louis Vuitton và các nghệ sĩ đương đại.
Trong khi đó, con trai thứ của ông Bernard là Antoine Arnault cũng thành công không kém. Dưới sự chỉ đạo của CEO Antoine Arnault, Berluti – một thương hiệu chuyên sản xuất đồ da cao cấp dành cho nam giới thuộc LVMH – đã chứng kiến đà tăng trưởng vượt bậc.
Năm 2013, Antoine Arnault trở thành Chủ tịch của Loro Piana, thương hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất cashmere được “thu phục” về LVMH.
Với kinh nghiệm hoạt động trong bộ phận truyền thông và quảng cáo của Louis Vuitton từ những ngày đầu khởi nghiệp, Antoine Arnault còn là một diễn giả có tiếng và thường xuyên tham dự những diễn đàn kinh tế, cũng như xuất hiện với tư cách khách mời tại các đại học danh tiếng hàng đầu thế giới như Stanford hay Harvard./.
Tin liên quan
-
Chuyển động DN
LVMH tăng tỷ lệ sở hữu trong hãng thời trang Italy Tod’s lên 10%
17:08' - 26/04/2021
Tập đoàn xa xỉ phẩm LVMH sẽ tăng cổ phần nắm giữ trong công ty thời trang Tod's của Italy (từ 3,2% lên 10%.
-
Chuyển động DN
Doanh thu của LVMH phục hồi nhanh hơn dự kiến
06:00' - 17/04/2021
LVMH, tập đoàn đứng đầu trong lĩnh vực này, sở hữu trên 70 thương hiệu từ rượu Moet & Chandon đến mỹ phẩm Guerlain, mới công bố doanh thu quý I/2021 thậm chí vượt năm 2019, trước khi dịch bùng phát.
-
Chuyển động DN
LVMH và Tiffany cuối cùng cũng “về chung nhà”
10:20' - 31/12/2020
LVMH - công ty mẹ của các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Dior và Moet & Chandon - đã công bố kế hoạch mua lại Tiffany và những sản phẩm mang tính biểu tượng của họ vào cuối năm 2019.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.