Chủ tịch ECB: Hạ các rào cản thương mại làm gia tăng bất bình đẳng

18:53' - 26/08/2017
BNEWS Người đứng đầu ECB thừa nhận có quan điểm phổ biến là việc hạ các rào cản thương mại làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị các thống đốc ngân hàng trung ương ở Jackson Hole, Wyoming, Mỹ ngày 25/8, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi nhận định kinh tế toàn cầu đang mạnh lên, nhưng các nước cần phối hợp hành động để đẩy lùi xu hướng chống mở cửa thương mại. Người đứng đầu ECB thừa nhận có quan điểm phổ biến là việc hạ các rào cản thương mại làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng.  

Chủ tịch ECB Mario Draghi. Ảnh: Reuters

Ông Draghi dự báo nếu tăng trưởng năng suất không đạt mức cao hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại. Ông cũng cảnh báo về mối đe dọa từ sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ khi các nước phát triển đang ngày càng quay lưng với thương mại tự do.  

Ông cho rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ gây rủi ro nghiêm trọng đối với tăng trưởng năng suất và sức tăng trưởng tiềm năng của kinh tế toàn cầu.

Ông kêu gọi thực hiện các chính sách công mạnh hơn, bao gồm giáo dục và đào tạo nghề, để hỗ trợ những nước bị bỏ lại sau trong tiến trình toàn cầu hóa.

Theo ông, cần sự hợp tác đa phương để trấn an những lao động đang lo ngại rằng thương mại tự do đe dọa đến việc làm của họ và các nền kinh tế đã phát triển cần đảm bảo rằng kinh tế toàn cầu mở sẽ giữ vững được sự công bằng và an toàn cho lực lượng lao động của họ.

Nhắc lại phát biểu trước đó của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen, ông Draghi cũng ủng hộ mạnh mẽ việc tiếp tục áp dụng các quy định tài chính nghiêm ngặt được ban hành sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu, ông không đề cập đến thời điểm ECB có thể rút dần chương trình kích thích trị giá hàng nghìn tỷ euro đã thực hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Được hỏi về hiệu quả của chương trình mua trái phiếu, Chủ tịch ECB cho rằng những nỗ lực của ECB đã mang lại kết quả tốt và chương trình mua trái phiếu rất thành công khi tạo đà cho sự phục hồi của kinh tế khu vực.

Ông Draghi cũng cho biết vẫn có những yếu tố đang làm chậm đà hồi phục đó như tốc độ tăng lương chậm nên vẫn cần sự hỗ trợ đáng kể từ chính sách tiền tệ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục