Chủ tịch FED: Kinh tế Mỹ sẽ phục hồi "nhanh hơn và mạnh mẽ hơn" nếu có thêm gói cứu trợ

14:23' - 07/10/2020
BNEWS Kinh tế Mỹ sẽ phục hồi "nhanh hơn và mạnh mẽ hơn" sau đợt suy thoái do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra nếu có thêm sự hỗ trợ của chính phủ nhằm ngăn chặn sự gia tăng số việc làm bị mất.

Đây là nhận định được Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đưa ra một buổi hội thảo của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE) tổ chức trực tuyến ngày 6/10.

Tại hội thảo, Chủ tịch Powell cảnh báo rằng tốc độ phục hồi chậm chạp kéo dài của nền kinh tế đầu tàu thế giới có thể kích hoạt những yếu tố thúc đẩy một đợt suy thoái điển hình, trong bối cảnh các cuộc đàm phán về một gói cứu trợ mới nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 rơi vào bế tắc.

Ông nêu rõ: "Chúng ta nên tiếp tục làm những gì có thể để giảm thiểu rủi ro đối với triển vọng (kinh tế). Một nguy cơ là các ca mắc COVID-19 có thể gia tăng trở lại đến mức khiến hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chưa kể các hậu quả đối với cuộc sống và sức khỏe của người dân. Nguy cơ thứ hai là tốc độ cải thiện (kinh tế) chậm chạp kéo dài theo thời gian có thể kích hoạt các yếu tố thúc đẩy suy thoái điển hình, bởi sự yếu kém nuôi dưỡng sự yếu kém".

Theo người đứng đầu FED, chu trình phục hồi kinh tế chậm chạp và kéo dài có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đã hiện hữu trong nền kinh tế Mỹ.

Ông lưu ý rằng các biện pháp chính sách tiền tệ và tài chính của Mỹ cho tới nay "đã kiềm chế đáng kể" các "động lực suy thoái" thông thường vốn xảy ra trong một cuộc suy thoái, song nếu không có thêm sự hỗ trợ, những xu hướng đi xuống vẫn có thể trỗi dậy.

Theo thời gian, tình trạng vỡ nợ hộ gia đình và phá sản doanh nghiệp sẽ gia tăng, làm tổn hại năng lực sản xuất của nền kinh tế và kìm hãm việc tăng lương.

Ông Powell cũng cho biết so với tháng 5 và tháng 6, tốc độ phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới đã chững lại trong những tháng gần đây do sức ảnh hưởng của gói kích thích tài chính giảm dần.

Một nguy cơ nữa nổi lên là những thành quả đạt được ban đầu từ việc mở cửa trở lại nền kinh tế có thể chuyển thành "cuộc chiến dài lâu" để nền kinh tế phục hồi hoàn toàn, khi một số lĩnh vực vẫn chật vật đối phó với sự bùng phát các ca mắc COVID-19.

Ông cảnh báo việc quá ít sự hỗ trợ sẽ dẫn tới sự phục hồi yếu ớt, tạo ra khó khăn không cần thiết cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Do đó, ông kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần tăng cường hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do đại dịch.

Ông nêu rõ: "Tốc độ phục hồi kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn và nhanh hơn nếu chính sách tiền tệ và tài chính tiếp tục song hành để hỗ trợ nền kinh tế cho tới khi thoát khỏi hiểm nguy".

Phát biểu của Chủ tịch FED được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa các nghị sĩ Quốc hội và Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về một gói chi tiêu bổ sung nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi rơi vào bế tắc trong nhiều tháng nay.

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Trump ngày 6/10 đã thông báo đình chỉ các cuộc đàm phán với các nghị sĩ đảng Dân chủ về dự luật cứu trợ mới cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 3/11 tới.

Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới, khiến hàng chục triệu người lao động Mỹ mất việc và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã lao dốc 31,7% trong quý II vừa qua khi một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn đà virus SARS-CoV-2 lây lan.

Hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật CARES nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đã hết hạn và cần thêm một gói cứu trợ mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể.

Mặc dù nhận định nền kinh tế đang tự phục hồi "mạnh mẽ" và có thể không cần thêm gói kích thích mới, song Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng một gói hỗ trợ với mục tiêu hướng tới những đối tượng cụ thể sẽ là một công cụ "trợ giúp đắc lực" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.

>>Những số liệu mới báo hiệu đà phục hồi của kinh tế Mỹ đang chững lại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục