Chủ tịch Hạ viện Mỹ ủng hộ đợt viện trợ mới cho các hãng hàng không trong nước

18:06' - 03/10/2020
BNEWS Các nhân viên trong ngành hàng không có thể tránh được nguy cơ bị sa thải sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 3/10 ủng hộ việc thực hiện một đợt cứu trợ khác cho ngành hàng không trong nước.

Ngay sau tuyên bố trên của bà Pelosi, giá cổ phiếu của hai hãng hàng không United Airlines và American Airlines đã tăng lần lượt 2,4% và 3,3% lên các mức tương ứng 36,01 USD/cổ phiếu và 13,00 USD/cổ phiếu.

Tuy vậy, triển vọng của đợt cứu trợ mới này vẫn chưa chắc chắn sau khi các nghị sỹ của đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã ngăn chặn nỗ lực thông qua nhanh đối với một đề xuất về vấn đề này.

Bà Pelosi kêu gọi các hãng hàng không ngừng cho người lao động nghỉ việc tạm thời và lên tiếng ủng hộ hỗ trợ duy trì lực lượng lao động, dưới hình thức một gói hỗ trợ riêng hoặc là một phần của gói cứu trợ tổng thể.

Theo bà Pelosi, tình trạng cho nghỉ việc tạm thời hoặc sa thải hàng loạt lao động làm việc trong ngành hàng không Mỹ làm đảo lộn sinh kế của hàng chục nghìn người và có nguy cơ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng kinh tế mà nước này đang phải đối mặt.

Trước đây, bà Pelosi đã phản đối một dự luật hỗ trợ giới hạn chỉ tập trung vào các hãng hàng không khi bà thúc đẩy việc triển khai một gói hỗ trợ kinh tế trên diện rộng.

Tuy vậy, điều này diễn ra trước khi các hãng hàng không lớn thông báo cắt giảm hơn 30.000 việc làm trong tuần này.

Ngày 1/10 vừa qua đã kết thúc giai đoạn mà các hãng hàng không Mỹ nhận được hàng tỷ USD hỗ trợ từ Quốc hội Mỹ đã cam kết sẽ không sa thải lao động.

Tối 30/9, các hãng hàng không American Airlines và United Airlines cho biết, họ sẽ bắt đầu cho nghỉ việc tạm thời 19.000 lao động và 13.000 lao động, đồng thời cho biết có thể rút lại các kế hoạch này nếu việc thảo luận về đợt hỗ trợ mới tại Quốc hội Mỹ có bước đột phá.

American Airlines ngày 2/10 cho biết sẽ tuyển dụng lại lao động nếu Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật về gói hỗ trợ mới.

Giám đốc điều hành American Airlines Doug Parker cam kết "đảo ngược tiến trình cho nghỉ việc tạm thời và tuyển dụng lại các lao động đã sa thải" nếu gói cứu trợ bổ sung được Quốc hội Mỹ thông qua trong vài ngày tới.

Trong khi đó, United Airlines bày tỏ mong muốn đảo ngược tiến trình cho nghỉ việc tạm thời đối với người lao động sau khi Quốc hội Mỹ thông qua việc gia hạn Chương trình Hỗ trợ Tiền lương thuộc Đạo luật Hỗ trợ, Cứu trợ và An ninh kinh tế (CARES)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục