Hàng chục nghìn lao động ngành hàng không Mỹ có nguy cơ mất việc

15:00' - 01/10/2020
BNEWS Người lao động trong lĩnh vực hàng không Mỹ trong tuần này đã khẩn thiết kêu gọi Quốc hội hỗ trợ bổ sung nhằm cứu việc làm của họ
Người lao động trong lĩnh vực hàng không Mỹ trong tuần này đã khẩn thiết kêu gọi Quốc hội hỗ trợ bổ sung nhằm cứu việc làm của họ, khi ngày 1/10 sẽ kết thúc giai đoạn mà các hãng hàng không nước này cam kết không cắt giảm việc làm sau khi nhận được hàng tỷ USD viện trợ từ chính phủ.
Các hãng hàng không American Airlines và United Airlines là những hãng đầu tiên thông báo cắt giảm việc làm, cho biết sẽ bắt đầu cho số lao động tương ứng là 19.000 người và 13.000 người nghỉ phép khi các quan chức Mỹ không đạt được thỏa thuận về khoản hỗ trợ mới cho lĩnh vực chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19 này.
Một gói các khoản vay có tổng trị giá đến 25 tỷ USD cho bảy hãng hàng không Mỹ đã được Bộ Tài chính Mỹ thông báo vào đêm 29/9 để các hãng có nguồn lực vượt qua giai đoạn suy giảm kéo dài do đại dịch. Tuy nhiên, kế hoạch cho nhân viên nghỉ phép của các hãng vẫn được thực hiện.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin ngày 30/9 bày tỏ hy vọng các hãng hàng không sẽ hoãn kế hoạch cắt giảm lao động nếu các nhà lãnh đạo Quốc hội có thể đạt sự nhất trí về khung thỏa thuận. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và ông Mnuchin đã có cuộc đàm phán vào ngày 29/9 và nhất trí tiếp tục làm việc, nhưng khả năng đạt thỏa thuận vẫn còn xa.
Chủ tịch Hiệp hội tiếp viên hàng không AFA-CWA, Sara Nelson, nói hàng chục nghìn lao động trong ngành hàng không sẽ mất việc và hàng chục nghìn người sẽ không có lương. Các tiếp viên hàng không đã đăng tải các bức ảnh họ rơi nước mắt trên chuyến bay có thể là cuối cùng với công việc này và những lời đề nghị khẩn thiết kêu gọi Quốc hội hành động
Kể từ khi đại dịch bùng phát mạnh vào tháng Ba, các hãng hàng không Mỹ đã dừng các chuyến bay và hoãn bàn giao máy bay để hạn chế chi tiền mặt khi hoạt động đi lại bằng đường hàng không vẫn chỉ bằng 1/3 mức của một năm trước.
Hàng chục nghìn lao động cũng chấp nhận các gói nghỉ không lương hay nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, những quyết định này là chưa đủ để ngăn chặn việc sa thải lao động. Các hãng không hy vọng sự phục hồi hoàn toàn cho đến khi có một loại vắc-xin được cung cấp rộng rãi, điều mà các giám đốc điều hành cho là chưa thể có cho đến cuối năm 2021.
Các nghiệp đoàn cho biết 100.000 người hoặc hơn có thể đã bị mất việc mà không nhận được trợ cấp bổ sung của Liên bang, nhưng các nhà phân tích cho rằng con số sẽ giảm khi các hãng hàng không và các nghiệp đoàn tìm kiếm giải pháp để tránh việc cắt giảm lao động.
Trong một thỏa thuận như vậy, United Airlines đầu tuần này đã đạt thỏa thuận với nghiệp đoàn phi công để tránh việc phải cho 2.850 nhân viên nghỉ việc./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục