Chủ tịch PV Power: Đã có phương án đảm bảo nhiên liệu cho sản xuất điện

10:06' - 17/01/2020
BNEWS Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo nguồn nhiên liệu than và khí cho sản xuất điện.
Chủ tịch PV Power Hồ Công Kỳ. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Với thực tế là việc đảm bảo nguồn nhiên liệu đầu vào gồm cả khí và than cho sản xuất điện đều khá khó khăn, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch sản lượng điện năm 2020, góp phần chống thiếu điện cho hệ thống điện Quốc gia. Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Chủ tịch Hội đồng Quản trị PV Power Hồ Công Kỳ xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Năm 2020, PV Power đặt mục tiêu sản lượng điện sản xuất là 21,6 tỷ kWh, thấp hơn con số thực hiện 22,54 tỷ kWh của năm 2019. Vậy mục tiêu năm 2020 này bị giảm có phải do thiếu hụt khí nhiên liệu đầu vào không thưa ông?

Ông Hồ Công Kỳ: Khi xây dựng kế hoạch của năm 2020, PV Power phải tính toán con số từ tháng 9/2019 vì việc lập kế hoạch này phải qua một quá trình dài từ góp ý, thẩm định, thẩm tra và cuối cùng là trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Với PV Power, ngoài việc phải được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thông qua, doanh nghiệp còn phải được Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 thông qua.

Thực tế là kế hoạch này phải qua ba lần hoàn thiện nên cuối tháng 11/2019, PV Power mới trình PVN trong tháng 12/2019 để PVN tiến hành các thủ tục thẩm tra, thẩm định. Vì vậy, mục tiêu sản lượng điện năm 2020 có thể sai số như vậy.

Bên cạnh đó, kế hoạch sản lượng điện năm 2020 của PV Power được lập trên cơ sở cân nhắc đến các khó khăn của việc cung ứng nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện; trong đó có khí.

Thực tế là với nguồn khí từ mỏ PM3-Cà Mau mà Việt Nam và Malaysia cùng khai thác thì từ ngày 12/10/2019 vừa qua đã là thời điểm cân bằng khí. Thời điểm này phía Việt Nam không được nhận quyền ưu tiên khí ở mỏ PM3 này nữa.

Vì vậy, PVN phải mua khí bổ sung của chủ mỏ Malaysia với giá cao gần gấp đôi so với giá hiện nay. Hiện PVN đã trình báo cáo lên các cấp có thẩm quyền nhưng chưa có câu trả lời về giá khí cũng như phương án phân bổ khí là phân bổ đều cho các hộ tiêu thụ hay vẫn ưu tiên cho sản xuất đạm như hiện nay.

Thực tế cũng cho thấy, giá khí và phương án phân phối khí liên quan đến trách nhiệm trả nợ ngân hàng với phần vay vốn mà Nhà nước bảo lãnh cho Nhà máy đạm Cà Mau. Vì vậy, hiện PVN vẫn ưu tiên phần giá khí rẻ cho đạm. Còn cuối cùng thanh toán như thế nào thì phụ thuộc vào phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền là Bộ Công Thương.

Ngoài ra, cho dù nguồn khí Cà Mau về cơ bản vẫn được duy trì trong năm 2020 nhưng do thiết kế đường ống dẫn khí Cà Mau có công suất tối đa 6,2 triệu m3/ngày nên chỉ cung cấp đủ cho 3 tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 & 2, còn tổ máy còn lại bao giờ cũng bị thiếu khí.

Phóng viên: Vậy PV Power có giải pháp gì để đảm bảo nguồn khí cho sản xuất điện khi nguồn khí PM3- Cà Mau ngày càng sụt giảm như vậy?

Ông Hồ Công Kỳ: Để bổ sung nguồn khí thiếu hụt này, PV Power có kế hoạch xây kho cảng dự trữ LPG nhập khẩu công suất 5 triệu tấn/năm tại đảo Nam Du (Kiên Giang) để cấp khí vào bờ. Hiện UBND tỉnh Kiên Giang ủng hộ chủ trương này của PV Power.

Nếu kế hoạch kho dự trữ LPG này được triển khai, phần khí thiếu hụt cho sản xuất điện của Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1&2 sẽ được giải quyết. Khi đó, lượng khí cấp đảm bảo cho cả 4 tổ máy cùng phát điện.

Hiện PV Power cũng đang nghiên cứu để đầu tư thêm Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 3 với công suất khoảng 700-800 MW. Nếu kế hoạch đầu tư này được triển khai thì các nhà máy nhiệt điện mới sẽ góp phần cân bằng điện cho phía Nam và giải toả việc truyền tải điện từ Bắc vào Nam.

Ngoài ra, dự án kho cảng LPG này còn có thể đảm bảo nhiên liệu khí cho các nhà máy điện Cà Mau 1&2, Cà Mau 3 trong tương lai cũng như có thể cấp khí cho một số dự án năng lượng khác tại Kiên Giang.

Phóng viên: Năm 2019, Nhà máy Nhiệt điện than Vũng Áng 1 của PV Power bị thiếu than cho sản xuất điện. Vậy PV Power có giải pháp gì để đảm bảo than cho sản xuất điện trong năm 2020 thưa ông?

Ông Hồ Công Kỳ: Năm 2019, cơ chế quản lý trong việc khai thác và cung cấp than cho sản xuất điện có sự thay đổi; trong đó yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than phải tự đàm phán mua than với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng).

Theo đó, phần sản lượng còn thiếu thì chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than phải tự lo nhập khẩu hoặc từ các nguồn khác hợp pháp. Vì vậy, thực tế là rất nhiều chủ đầu tư các nhà máy điện than; trong đó có PV Power gặp khó khăn trong đảm bảo nguồn than cho sản xuất điện.

Để chủ động nguồn than cho sản xuất điện, trong 3 tháng cuối năm 2019, PV Power đã làm việc với TKV về việc cung cấp than trong nước và than trộn (than trộn giữa than trong nước và than nhập khẩu) theo tiêu chuẩn của nhà máy điện.

Năm 2020 này, PV Power tiếp tục đàm phán với TKV và đã ký được hợp đồng cung cấp 2,8 triệu tấn than (cộng hoặc trừ 5%) cho sản xuất điện. Hiện PV Power cũng đang làm việc với Tổng Công ty Đông Bắc để bổ sung nguồn than cho sản xuất điện trong năm 2020.

Vì vậy, đến thời điểm này, việc đảm bảo nguồn than cho sản xuất điện của PV Power cũng yên tâm hơn năm 2019. Bên cạnh đó, độ khả dụng thiết bị của Nhiệt điện Vũng Áng 1 tương đối tốt và trình độ đội ngũ kỹ thuật tại đây đã được nâng lên sau 5 vận hành.

Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ đã giao cho PV Power làm chủ đầu tư Dự án điện Nhơn Trạch 3&4 với tổng công suất 1.500 MW. Xin ông cho biết tiến độ triển khai các dự án này ra sao?

Ông Hồ Công Kỳ: Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 là dự án đầu tiên của Việt Nam sử dụng nhiên liệu LPG nhập khẩu. Vì vậy, PV Power xác định đây không chỉ là dự án trọng điểm quốc gia mà là dự án trọng điểm của PV Power. Vì vậy, chúng tôi xác định phải triển khai Dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và an toàn kể cả về mặt pháp lý, sử dụng công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường.

Từ khi được Chính phủ giao làm chủ đầu tư Dự án vào tháng 4/2019, PV Power đã bắt tay vào thực hiện các công việc chính của Dự án. Theo đó, đầu tháng 12/2019, PV Power đã trình Bộ Công Thương thẩm định Thiết kế cơ sở. Tổng Công ty cũng đã trình PVN cho ý kiến Báo cáo nghiên cứu khả thi (Báo cáo FS) của Dự án.

Hiện PV Power đang cố gắng hoàn tất các thủ tục để kịp trình Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 để phê duyệt Dự án này.

Tuy nhiên, Dự án này có thể sẽ phải triển khai chậm một chút do có những thay đổi về quy định quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thay thế cho Nghị định 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 cũng về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Với sự thay đổi này, sau khi báo cáo FS được phê duyệt thì chủ đầu tư phải tổ chức đấu thầu thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) trước. Sau đó, mới tổ chức đấu thầu gói thầu EPC.

Quy định mới này có ưu điểm là chủ đầu tư có thể kiểm soát chi phí tốt hơn nhưng tiến độ sẽ bị ảnh hưởng do phải tách thêm một gói đấu thầu FEED nữa, rồi mới đấu thầu gói EPC cho dù trong FEED đã có một phần thiết kế kỹ thuật, còn phần thiết kế chi tiết bản vẽ thi công lại nằm trong gói thầu EPC.

Hiện PV Power đang nỗ lực cao độ để có thể khởi công dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 vào đầu năm 2021.

Như vậy, trong năm 2020, PV Power phải hoàn thiện thủ tục phê duyệt FS trước đại hội cổ đông thường niên năm 2020 tới đây. Thứ hai là tổ chức đấu thầu gói FEED. Thứ ba là lập hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu gói EPC để lựa chọn nhà thầu, phấn đấu trong năm 2020 về cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị để năm 2021 khởi công dự án.

Nếu theo tiến độ này, thời gian thi công Dự án nhiều nhất là 30 tháng, (tương tự như Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 2) và đến năm 2023, Dự án Nhơn Trạch 3&4 có thể phát điện thương mại./.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục