Chủ tịch Vietcombank: Các dự án BOT vẫn đảm bảo thu hồi nợ đúng hạn

16:48' - 26/06/2020
BNEWS "Dù chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng các dự án BOT, BT giao thông do Vietcombank cho vay vốn vẫn đảm bảo doanh thu và dòng tiền trả nợ".

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) khẳng định thông tin trên trước băn khoăn của cổ đông tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra sáng nay 26/6 tại Hà Nội.

Lý giải điều này, ông Thành cho biết, qua kiểm toán thực tế trong thời gian vừa qua, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra, doanh thu các dự án BOT, BT đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động rất lớn đến chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho các dự án này. Tuy nhiên, ngay từ đầu Vietcombank đã xác định kiểm soát chặt lĩnh vực trên. Đến nay, dư nợ của các dự án BOT và BT tại Vietcombank chỉ khoảng 15.000 tỷ đồng, chiếm 2% tổng dư nợ. Hơn nữa, khoản dư nợ trên lại tập trung chủ yếu vào 4 trong 10 dự án được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá là hoạt động hiệu quả nhất.

Do đó, dù chịu nhiều tác động của COVID-19 nhưng doanh thu tại các dự án này vẫn đảm bảo. Doanh thu được nhắc đến tại đây là doanh thu theo phương án tài chính, có nghĩa là dự án theo kế hoạch thu trong 16 năm nhưng qua kiểm toán thực tế trước khi COVID-19 xảy ra chỉ cần 8 năm đã có thể thu hồi vốn. Do đó khi chịu tác động của COVID-19, các dự án này vẫn đảm bảo doanh thu và dòng tiền trả nợ theo phương án ban đầu.

"Vietcombank hiện không có dự án BOT, BT giao thông nào phải cơ cấu lại do COVID-19", ông Nghiêm Xuân Thành khẳng định.

Cũng liên quan đến ảnh hưởng do dịch COVID-19, Chủ tịch Vietcombank cho biết, tổng dư nợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh tại ngân hàng là khoảng 44.000 tỷ đồng. Trong đó, đã có 14.000 tỷ đồng được xem xét và cơ cấu lại nợ, 10.000 tỷ đồng nữa có thể được cơ cấu lại. Điều này có nghĩa tổng dư nợ được xem xét cơ cấu lại khoảng 24.000 tỷ đồng. Con số này so với tổng mức cho vay gần 750.000 tỷ đồng năm 2019 và dự kiến hơn 815.000 tỷ đồng của năm 2020 chưa đáng kể.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về khoản phí thu về từ thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm giữa Vietcombank và Tập đoàn bảo hiểm FWD, Tổng Giám đốc Phạm Quang Dũng cho biết: "Đây là nội dung thuộc bảo mật thông tin giữa 2 bên nên Vietcombank không thể công bố với cổ đông".

Ông Dũng chỉ tiết lộ đây là con số cao kỷ lục của một công ty bảo hiểm trả cho ngân hàng Việt Nam.

Về cắt giảm chi phí nhân viên, ông Dũng khẳng định chủ trương của Vietcombank là không cắt giảm lương của người lao động, nếu cắt giảm sẽ cắt giảm lương của ban lãnh đạo.

Về kế hoạch chi trả cổ tức, ngân hàng đang lên 2 kế hoạch: Một là chi trả 8% bằng cổ tức hoặc tiền mặt; hai là giữ lại toàn bộ lợi nhuận phục vụ sản xuất kinh doanh. "Việc thực hiện kế hoạch chi trả cổ tức ngoài trình cổ đông, còn phải xin ý kiến và chờ phê duyệt từ cơ quan quản lý", lãnh đạo Vietcombank cho hay.

Chia sẻ về kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020, ông Phạm Quang Dũng cho biết, tính đến ngày 25/6, huy động vốn và tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đang ở mức 3,4%. Trong đó, tăng trưởng huy động vốn của Vietcombank xấp xỉ mức tăng trưởng chung toàn ngành, còn tín dụng tăng cao hơn trung bình toàn ngành và cũng là mức tăng trưởng tín dụng tương đối cao so với các ngân hàng thương mại nhà nước khác.

Tỷ lệ nợ xấu khoảng 0,8%, tăng nhẹ so với mức 0,78% hồi đầu năm. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay của Vietcombank ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, Vietcombank đạt hơn 11.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2019./.

>>>Vietcombank để ngỏ mục tiêu lợi nhuận 2020, chỉ tiêu nợ xấu tăng gần gấp đôi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục