Chưa có lời giải cho khủng hoảng di cư ở châu Mỹ

15:10' - 27/12/2023
BNEWS Trong năm 2023, làn sóng di cư ở châu Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Từng đoàn người tiếp tục tiến về khu vực Bắc Mỹ bất chấp vô vàn hiểm nguy dọc đường.

Kể cả khi tiến tới sát biên giới phía Nam nước Mỹ, những người di cư vẫn chưa chắc chắn liệu họ có thể tiếp tục hành trình hay sẽ bị chặn lại trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden liên tục gia tăng hạn chế.

 

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, tất cả các tuyến di cư từ Nam Mỹ đều đi qua rừng rậm Darién, biên giới tự nhiên giữa Colombia và Panama. Cuộc hành trình bắt đầu từ Vịnh Urabá, phía Tây Bắc Colombia, nơi trước nay “vắng bóng” chính quyền và hoàn toàn do các nhóm vũ trang kiểm soát.

Giáo sư Luis Fernando Trejos của Đại học miền Bắc (Colombia) cho biết tại khu vực biên giới nêu trên có nhiều loại hình buôn bán khác nhau: lúc đầu là vũ khí, sau đó là cocaine và gần đây là sự “bùng nổ” của nạn buôn người.

Theo dữ liệu chính thức của Panama, hoạt động di cư qua khu rừng rậm hiểm trở này không phải là mới, nhưng bắt đầu mạnh lên từ năm 2019. Tính đến ngày 20/12, đã có 513.782 người di cư vượt qua Darién, gấp đôi con số 248.000 người vào năm ngoái. Bạo lực và điều kiện kinh tế xã hội tại quê hương là động lực chính thúc đẩy những người di cư vượt qua nửa lục địa và dấn thân vào khu rừng đầy hiểm nguy, nơi được mệnh danh là tuyến đường mòn nguy hiểm nhất thế giới với đầy rẫy thú dữ và các băng nhóm tội phạm có vũ trang.

Các băng nhóm tội phạm kiếm hàng triệu USD, thậm chí có những báo cáo đề cập đến con số trung bình 57 triệu USD/năm, nhờ hoạt động di cư bất hợp pháp. Một số nguồn tin cho biết các nhóm tội phạm thu người di cư khoảng 200 USD/người để đảm bảo việc đi lại an toàn qua rừng Darién. Khu rừng này trở thành "cơn ác mộng" đối với hàng trăm người di cư băng qua đây mỗi ngày. Họ có thể trở thành nạn nhân của thú hoang, thời tiết khắc nghiệt, những cơn lũ bất chợt, bị tấn công tình dục hoặc bị cướp.

Dự án Người di cư mất tích của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã ghi nhận 42 trường hợp tử vong hoặc mất tích ở Darién tính từ đầu năm đến đầu tháng 12, mặc dù các số liệu thực tế có lẽ cao hơn rất nhiều. Con số này năm ngoái là 141 trường hợp. Chuyên gia về giới tính của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Johana Tejada López cho biết hơn 100.000 trẻ em và thanh thiếu niên đã thiệt mạng tại nơi rừng thiêng nước độc, 50% trong số các em chưa đến 5 tuổi. Chuyên gia UNICEF cảnh báo về xu hướng gia tăng số lượng trẻ vị thành niên bị tách khỏi cha mẹ trong hành trình và hiện tượng thanh thiếu niên vượt biên một mình.

Chính quyền Panama và hàng chục tổ chức quốc tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thực phẩm cho người di cư tại các trạm nghỉ dọc đường. Hoạt động này đã tiêu tốn của Nhà nước Panama ít nhất 70 triệu USD. Quốc gia kênh đào này cũng tổ chức các dịch vụ vận tải có thu phí để người di cư có thể tiếp tục tiến lên phía Bắc, đến nước láng giềng Costa Rica, và không bị mắc kẹt trong lãnh thổ Panama. Nhiều quốc gia Trung Mỹ đã học hỏi sáng kiến của Panama và xây dựng những mô hình tương tự.

Honduras là đất nước của người di cư và quá cảnh. Mỗi ngày có hơn 500 người mạo hiểm tìm kiếm “giấc mơ Mỹ”, trong khi 500.000 người di cư đã đi qua Honduras trong năm nay.

Đa số người di cư đều gặp phải một vấn đề chung: thiếu tiền để tiếp tục tiến về phía trước. Họ phải lang thang hàng tuần hoặc hàng tháng ở quốc gia quá cảnh để thu thập đủ tiền. Chi phí di chuyển từ Honduras đến biên giới Guatemala là khoảng 45 USD/người.

Biên giới cuối cùng của hành trình này nằm ở phía Bắc Mexico, nơi tiếp nhận hàng nghìn người di cư mỗi ngày, những người cắm trại chờ cơ hội vào Mỹ. Ciudad Juárez đã trở thành một trong những trung tâm đầu não của cuộc di cư.

Linh mục Francisco Bueno Guillén, Giám đốc Casa del Migrante - một trong những trung tâm trú ẩn lớn nhất trong thành phố, khẳng định 2023 là năm kỷ lục về số người di cư. Vị linh mục này ước tính có từ 100.000 -105.000 người đã đến biên giới giữa Mexico và Mỹ trong vô vọng và con số này sẽ vẫn ở mức cao trong năm tới.

Nhiều người di cư xếp hàng từ tháng 5, nhưng vẫn chưa đặt được lịch hẹn theo quy trình để bắt đầu làm thủ tục nhập cảnh Mỹ. Điều này khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn.

Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư, nhưng không thành công. Sau khi đình chỉ hồi tháng 5 Điều khoản 42, một biện pháp gây tranh cãi cho phép trục xuất ngay lập tức những người di cư không có giấy tờ mà không có khả năng xin tị nạn, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tình hình, trong đó đáng chú ý là hạn chế quyền tiếp cận nơi tị nạn, đe dọa trục xuất ngay lập tức những người vượt biên trái phép và đưa ra chiến lược chính sách đối ngoại nhằm cố thuyết phục các quốc gia khác trong khu vực, chẳng hạn như Colombia, Panama hay Mexico, đóng vai trò làm vùng đệm cho dòng người di cư.

Tuy nhiên, nhà phân tích Ariel Ruiz của Viện Chính sách Di cư có trụ sở tại Washington, cho rằng Mỹ không có đủ nguồn lực để trục xuất hoặc giam giữ số lượng lớn những người đang tìm kiếm "giấc mơ Mỹ".

Song song với các biện pháp ở biên giới và với mục đích hạn chế việc đi lại bằng đường bộ, Washington đã thúc đẩy “các tuyến đường hợp pháp” để đến Mỹ. Theo dữ liệu từ Văn phòng Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP), hơn 260.000 người di cư đã nhập cảnh Mỹ trong năm nay nhờ giấy phép nhân đạo.

Mỹ cũng phối hợp với các quốc gia khác và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) triển khai sáng kiến “di chuyển an toàn” nhằm hướng người di cư đến với chương trình tị nạn. Tuy nhiên, kế hoạch không mấy thành công và theo dữ liệu mới nhất, chưa đến 10% trong số hàng nghìn người đã đăng ký có thể tham gia chương trình này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục