Chưa đầu tư đồng bộ, thu hút đầu tư nước ngoài tại ĐBSCL đạt thấp

17:20' - 05/04/2017
BNEWS Việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian qua tại Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt thấp là do cơ sở hạ tầng của vùng chưa được đầu tư đồng bộ.
Thu hút đầu tư nước ngoài tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt thấp. Ảnh minh họa: Danh Lam – TTXVN

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết.

Ông Dũng cho biết, ĐBSCL có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm cao của cả nước.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư không chỉ dựa vào môi trường kinh doanh mà còn dựa trên vị trí địa lý, lợi thế, nhất là lợi thế về giao thông, cơ sở hạ tầng.

Chẳng hạn, nhiều năm qua, tỉnh Long An luôn đứng đầu về thu hút FDI của vùng và năm nay là tỉnh Tiền Giang.

Trong khi đó, chỉ số năng lực cạnh tranh của Tiền Giang chưa thực sự tốt nhưng đây lại là 2 địa phương nằm giáp ranh với Tp. Hồ Chí Minh.

Thực tế cho thấy, hiện nguồn vốn đầu tư FDI chủ yếu tập trung ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh vì đây là các địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, tính kết nối cao, khu vực đô thị phát triển mạnh...

Vài năm tới đây, khi cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL phát triển đồng bộ như: hoàn chỉnh đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh và các trục giao thông chính của ĐBSCL; trung tâm logictics của ĐBSCL để vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài kết nối hàng hóa với Tp. Hồ Chí Minh... sẽ nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư FDI của vùng.

Cũng theo ông Dũng, thu hút FDI vào ĐBSCL gần đây có sự thay đổi.

Nguồn vốn FDI hiện vào đến trung tâm của Khu vực ĐBSCL là thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long.

Trong khi những năm trước chỉ tập trung quanh các tỉnh như Long An, Tiền Giang và một phần của Kiên Giang.

Năm 2016, FDI vào khu vực ĐBSCL đạt 1,36 tỷ USD, nâng tổng số dự án FDI toàn vùng còn hiệu lực là 1.324 dự án với tổng vốn đăng ký là hơn 18,9 tỷ USD.

Với con số trên, ĐBSCL đứng thứ 4/7 vùng của cả nước, chiếm 5,8% về số dự án và 6% về số vốn đăng ký của cả nước.

Theo VCCI Cần Thơ, trong 3 tháng năm 2017, các tỉnh ĐBSCL thu hút 27 dự án FDI với tổng nguồn vốn đăng ký là 103 triệu USD.

Nếu so với cả nước trong quý I/2017, số vốn thu hút FDI của khu vực ĐBSCL đạt thấp.

Trong số các dự án nói trên, có 15 dự án tăng vốn với tổng vốn là 31 triệu USD.

Doanh nghiệp nước ngoài mua cổ phần với nguồn vốn là 50 triệu USD; số còn lại là dự án mới.

Riêng tỉnh Tiền Giang có tổng vốn đăng ký là 54,62 triệu USD và có 2 dự án đầu tư FDI đăng ký mới.

Long An là địa phương có nhiều dự án đăng ký mới nhưng nguồn vốn mỗi dự án đạt thấp, chủ yếu là các dự án phụ trợ làm gia công cho các doanh nghiệp lớn phục vụ xuất khẩu.

>> Những con số ấn tượng về thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I/2017

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục