Chuẩn bị đấu thầu dự án nâng cấp đèo Khe Nét tuyến đường sắt Bắc - Nam

17:54' - 16/09/2023
BNEWS Dự kiến, trong tháng 10 tới sẽ tiến hành mở bán hồ sơ thầu lựa chọn nhà thầu cho gói thầu đầu tiên (gói xây mới hầm) cho dự án này.
Liên quan đến tiến độ triển khai dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh (đường sắt Bắc – Nam), trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (chủ đầu tư) cho biết, dự kiến, trong tháng 10 tới sẽ tiến hành mở bán hồ sơ thầu lựa chọn nhà thầu cho gói thầu đầu tiên (gói xây mới hầm) cho dự án này. Hình thức đấu thầu là đấu thầu rộng rãi quốc tế. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi sẽ phấn đầu khởi công dịp cuối năm nay hoặc đầu năm 2024.

 
Về vấn đề mặt bằng phục vụ thi công dự án, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay, hiện dự án đang vướng mắc liên quan đến diện tích đất rừng tự nhiên phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Chính quyền địa phương cũng đang tích cực tháo gỡ. Cùng với đó, chủ đầu tư cũng đang làm việc với chính quyền địa phương liên quan đến khu tái định cư để phục vụ việc giải phóng mặt bằng cho dự án.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký Quyết định số 2215/QĐ – BGTVT về việc phê duyệt điều chỉnh dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh.

Theo đó, dự án có mục tiêu đảm bảo an toàn, rút ngắn thời gian và nâng cao năng lực, chất lượng vận tải trên tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh với điểm đầu tại km413+700 thuộc địa phận xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình; điểm cuối tại km420+490 (km422+450 lý trình đường sắt hiện tại) thuộc địa phận xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình). Tổng chiều dài dự án là 6.790 m (rút ngắn so với tuyến đường sắt hiện tại 1.958 m).

Dự án sẽ nâng cấp cải tạo 2.422 m đường sắt; cải dịch tuyến mới 4.369 m đường sắt; cải tạo, đặt thêm đường số 3 tại ga Đồng Chuối; cải tạo 2 cầu (với tổng chiều dài 117,61 m); xây dựng mới 3 cầu (với tổng chiều dài 960,2 m); xây dựng mới 2 hầm với tổng chiều dài 1.390 m)… cùng hệ thống thông tin tín hiệu đồng bộ khác.

Tổng mức đầu tư của dự án là  hơn 2.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam; trong đó vốn vay ODA là 1.764,4 tỷ đồng; vốn đối ứng là 246,3 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2020 đến năm 2025.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, khu vực Khe Nét là một trong 5 con đèo cao nhất thuộc hệ thống đường sắt quốc gia. Đèo Khe Nét nằm giữa ga Vinh (Nghệ An) và ga Đồng Hới (Quảng Bình), từ Vinh lên đến đỉnh đèo phải mất tới 200 km. Thông qua việc đầu tư dự án, một trong những nút cổ chai trên tuyến đường sắt Bắc Nam - đèo Khe Nét (Quảng Bình) sẽ được cải tạo để rút ngắn thời gian, nâng cao năng lực chạy tàu.

Việc thực hiện dự án có ý nghĩa to lớn đối với ngành đường sắt nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung cả đất nước, giải quyết được 1 trong 5 nút thắt chính và hướng tới kỷ niệm 100 năm ngành đường sắt vào năm 2026.

Trong một diễn biến liên quan đến dự án đường sắt cũng sử dung vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc là dự án cải tạo khu gian Hoà Duyệt - Thanh Luyện, tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh. Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay, do dự án mối được ký hiệp định nên hiện nay chủ đầu tư đang tích cực hoàn thiện các thủ tục để tìm tư vấn thiết kế cho dự án. Sau khi có tư vấn thiết kế mới tiến hành các công việc tiếp theo là đấu thầu tìm nhà thầu cho dự án.

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, tại Quyết định số 413/QĐ – BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án cải tạo khu gian Hoà Duyệt - Thanh Luyện nêu rõ: Dự án này có mục tiêu cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện tại thuộc khu gian từ Ga Hòa Duyệt đến Ga Thanh Luyện với tổng chiều dài 12,2 km.

Dự án bao gồm các hạng mục công trình chính gồm: nâng cấp, cải tạo 4,8 km đường sắt và cải dịch tuyến mới 7,4 km đường sắt; cải tạo, nâng cấp 2 (ga Hoà Duyệt và ga Thanh Luyện); xây dựng mới 1 cầu, 2 hầm và 13 cống chui dân sinh, 15 cống thoát nước ngang qua đường sắt; hàng rào, đường gom, đường ngang, tường chống đá rơi và lắp đặt hệ thống thông tin tín hiệu, biển báo đồng bộ.

Tổng mức đầu tư dự án là 1.480 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA từ quỹ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam; trong đó vốn vay ODA là 1.239 tỷ đồng; vốn đối ứng là 242 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2023 đến năm 2027./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục