Chứng khoán Âu – Mỹ dịch chuyển ngược chiều trong phiên 7/6

08:15' - 08/06/2022
BNEWS Chứng khoán Âu Mỹ khép lại phiên 7/6 với kết quả trái chiều, trong khi đồng yen chạm mức thấp nhất trong 20 năm so với đồng USD với những đồn đoán về việc thắt chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ.

Phiên này tại thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,8% lên 33.180,14 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1% lên 4.160,68 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 0,9% và khép phiên ở mức 12.175,23 điểm. 

Ngược lại ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt suy giảm. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 0,1% xuống 7.598,93 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 0,7% xuống 14.556,62 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng lùi 0,7% xuống 6.500,35 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 0,8% xuống 3.806,74 điểm.       

Sau khi hầu hết các sàn châu Âu và châu Á giảm điểm, chứng khoán Mỹ cũng bắt đầu một ngày với mức thua lỗ sau báo cáo triển vọng kém lạc quan từ Ngân hàng Thế giới (WB) và cảnh báo về lợi nhuận từ “gã khổng lồ” bán lẻ Target.

WB đã hạ ước tính tăng trưởng toàn cầu xuống 2,9% - thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Một trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine chưa kết thúc, khiến giá ngũ cốc và dầu tăng vọt.

Thêm vào đó, Target cho biết họ đang hủy các đơn đặt hàng và tiến hành giảm giá sâu các sản phẩm bán lẻ do lượng hàng dự trữ dư thừa lớn. Nhưng trong khi cổ phiếu Target giảm 2,44% xuống 155,98 USD/cổ phiếu, thị trường tổng thể đã phục hồi khi giới đầu tư coi những sự suy giảm trên là phù hợp với báo cáo thu nhập gần đây từ các nhà bán lẻ, vốn nhấn mạnh tới chi phí cao hơn.

Ông Jack Ablin, Giám đốc đầu tư tại công ty tư vấn tài chính Cresset Capital (Mỹ) cho biết nhà đầu tư đang chờ báo cáo lạm phát của Mỹ vào cuối tuần này. Trong thời gian chờ đợi, thị trường sẽ chứng kiến một giai đoạn biến động tương đối mạnh.

Cùng với đó, thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc họp ngày 9/6 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tại cuộc họp này, ECB dự kiến sẽ ngừng chương trình kích thích của mình trước khi tăng lãi suất.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) lại thực hiện một cách tiếp cận không can dự nhiều để đối phó với làn sóng tăng giá, qua đó gây áp lực lên đồng yen của nước này. Trong phiên 7/6, đồng yen đã chạm mức thấp nhất trong 20 năm so với đồng USD và mức thấp nhất trong bảy năm so với đồng euro.

Nhà phân tích Jim Reid của ngân hàng Deutsche Bank (Đức) cho biết BoJ khác biệt với các ngân hàng trung ương khác trong việc không thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này dẫn đến chênh lệch lãi suất ngày càng gia tăng khi các ngân hàng trung ương khác tiếp tục nâng lãi suất của họ.

Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 7/6, chỉ số VN-Index tăng 1,34 điểm lên 1.291,35 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 2,66 điểm xuống 304,15 điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục