Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều ngày 28/3

16:28' - 28/03/2019
BNEWS Trong phiên giao dịch ngày 28/3, thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều, giữa lúc giới đầu tư ngày càng quan ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu.
                   Chứng khoán châu Á biến động trái chiều. Ảnh: Reuters

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 344,97 điểm (1,61%), xuống 21.033,76 điểm, sau khi chứng kiến đà giảm mạnh của Phố Wall trong phiên giao dịch đêm trước. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017 trong phiên 27/3, dấu hiệu cho thấy nguy cơ suy yếu của nền kinh tế trong trung và dài hạn. Điều này cũng khiến đồng USD đi xuống so với đồng yen, giảm từ mức 110,51 yen/USD xuống 110,13 yen/USD. Đồng bạc xanh cũng suy yếu so với hai đồng tiền chủ chốt khác là euro và bảng Anh, lần lượt giao dịch ở mức 1,1261 USD/euro và 1,3194 USD/bảng Anh, so với các mức tương ứng của phiên trước là 1,1244 USD/euro và 1,3189 USD/bảng Anh.

Trong khi đó, tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi hạ 17,52 điểm (0,82%), xuống 2.128,10 điểm, do những lo ngại về lợi nhuận của một số công ty công nghệ lớn. Khối lượng giao dịch tại sàn giao dịch này trong phiên 28/3 đạt 4.310 tỷ won (3,79 tỷ USD).

Tuy nhiên, tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia lại tăng gần 0,7%, lên 6.176,10 điểm. Các thị trường Singapore, Manila và Jakarta cũng đều đóng cửa với sắc xanh.

Tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại biến động trái chiều. Các chỉ số chứng khoán tại Trung Quốc trồi sụt không ngừng trong suốt phiên này, khi nhiều nhà đầu tư ngày càng quan ngại về triển vọng kinh tế thế giới và sự chú ý đang tập trung vào vòng đàm phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng tăng 46,96 điểm (0,16%), lên 28.775,21 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite lại hạ 27,78 điểm (0,92%), xuống 2.994,94 điểm.

Ngày 28/3, Mỹ và Trung Quốc bắt đầu tiến hành vòng đàm phán thương mại mới tại Bắc Kinh khi hai cường quốc kinh tế thế giới nỗ lực hướng tới một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại song phương kéo dài, vốn đã và đang tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu.

Vòng cuộc đàm phán kéo dài hai ngày giữa Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin với Phó Thủ tướng kiêm Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc, ông Lưu Hạc, là vòng đầu tiên kể từ khi các biện pháp mới của Trung Quốc được ban hành thành luật như một "cành ô liu" để thúc đẩy tiến trình đàm phán giải quyết tranh chấp.

Phiên này, tại thị trường Việt Nam, hai mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, nhì thị trường là VIC và VHM tăng mạnh đã giúp chỉ số VN – Index tiếp tục đà tăng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/3, VN – Index tăng 7,07 điểm lên 982,98 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 217 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị hơn 4.094 tỷ đồng. Toàn sàn có 157 mã tăng giá, 49 mã đứng giá và 148 mã giảm giá.

HNX – Index giảm 0,22 điểm xuống 107,34 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 25,5 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 404,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 73 mã tăng giá, 71 mã đứng giá và 74 mã giảm giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục