Chứng khoán châu Á lao dốc, giá vàng hướng trở lại mức thấp nhất trong bảy tháng

16:20' - 04/10/2023
BNEWS Trong phiên 4/10 tại châu Á, thị trường chứng khoán khu vực giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng, trong khi giá vàng hướng trở lại mức thấp nhất trong bảy tháng.
* Chứng khoán lao dốc do hoạt động bán tháo trái phiếu

Chỉ số chứng khoán châu Á phiên 4/10 giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng, khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cao kỷ lục 16 năm, gây sức ép lên giá cổ phiếu và làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro nói chung.

 
Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm hơn 1% ngày thứ 2 liên tiếp.

Chốt phiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,78%, hay 135,38 điểm, xuống 17.195,84 điểm. Thị trường Thượng Hải đóng cửa.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,28%, hay 711,06 điểm, xuống 30.526,88 điểm.

Số liệu về cơ hội việc làm tại Mỹ cao hơn dự kiến đã kéo lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng gần 10 điểm cơ bản trong phiên 3/10 và tăng thêm 4 điểm cơ bản tại châu Á lên mức 4,85% lần đầu tiên kể từ năm 2007.

Thậm chí, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản vốn chịu sự kiểm soát của Ngân hàng trung ương nước này cũng tăng 4,5 điểm cơ bản, lên mức cao kỷ lục một thập niên.

Việc lợi suất trái phiếu tăng mạnh đã tạo đà để đồng USD tăng giá lên mức cao mới.

Đồng euro giảm xuống 1,0448 USD/euro, mức thấp nhất trong 10 tháng trong phiên 3/10  và đồng bảng Anh giảm xuống 1,20535 USD/bảng, mức thấp nhất trong 10 tháng.

Cả hai đồng tiền giao dịch ở gần mức này trong phiên 4/10.

* Giá vàng hướng trở lại mức thấp nhất trong bảy tháng

Giá vàng phiên này hướng trở lại mức thấp nhất trong bảy tháng, do đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng trước khả năng chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, khi số liệu việc làm tại Mỹ mạnh.

Giá vàng giao ngay giảm 0,1%, xuống 1.821,86 USD/ounce vào lúc 12 giờ 48 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,2%, xuống 1.837,1 USD/ounce.

Trong phiên 3/10, giá vàng giảm phiên thứ bảy liên tiếp xuống mức 1.813,9 USD/ounce, thấp nhất kể từ tháng 3/2023, khi đồng USD lên giá sau do số liệu cho thấy nhu cầu tuyển dụng tại Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 8.

Người phụ trách nghiên cứu tại Nirmal Bang Commodities, Kunal Shah, cho rằng hoạt động bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục khiến giá vàng chịu sức ép nhưng sẽ không giảm hơn nữa. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất có thể với một lần tăng 25 điểm cơ bản nữa.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên cao kỷ lục mới trong 16 năm, làm giảm nhu cầu đối với vàng.

Các quan chức Fed cho rằng lợi suất trái phiếu dài hạn tăng là dấu hiệu cho thấy chính sách tiền tệ thắt chặt đang phát huy tác dụng.

* Giá dầu giảm do lo ngại lãi suất tăng

Trong phiên 4/10, giá dầu giảm trước khi diễn ra cuộc họp của các bộ trưởng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), khi thị trường đánh giá khả năng thắt chặt nguồn cung do lo ngại lãi suất cao có thể làm giảm nhu cầu.

Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 18 xu Mỹ, hay 0,2%, xuống 90,74 USD/thùng vào lúc 13 giờ 11 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 20 xu Mỹ, xuống 89,03 USD/thùng.

Số liệu công bố ngày 3/10 cho thấy số cơ hội việc làm tại Mỹ tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng mạnh.

Giá dầu cũng chịu sức ép do lo ngại đồng USD mạnh sẽ làm giảm nhu cầu khi khiến dầu đắt hơn với những người mua bằng các đồng tiền khác.

OPEC và các nước đồng minh được cho là sẽ duy trì chính sách sản lượng hiện nay tại cuộc họp vào ngày 4/10, sau khi các nước thành viên là Saudi Arabia và Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng đến cuối năm.

Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát tình hình cung cầu tại Mỹ. Chính phủ Mỹ sẽ công bố số liệu về dự trữ dầu vào ngày 4/10./.

Lê Minh (Tổng hợp)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục