Chứng khoán chìm sắc đỏ, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai giảm kịch sàn

16:39' - 19/07/2024
BNEWS Hiện đang là mùa cao điểm báo cáo quý II và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp là khá tích cực, nhưng thị trường chứng khoán vẫn chìm trong sắc đỏ.

Chốt phiên giao dịch 19/7, VN-Index giảm 9,66 điểm xuống 1.264,78 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 792 triệu đơn vị, tương ứng hơn 18.538 tỷ đồng. Toàn sàn có  126 mã tăng giá, 324 mã giảm giá và 49 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 1,97 điểm xuống 240,52 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 67,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.326 tỷ đồng. Toàn sàn có 47 mã tăng giá, 120 mã giảm giá và 62 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,83 điểm xuống 96,78 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 53,6 triệu đơn vị, tương ứng hơn 684,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 147 mã tăng giá, 182 mã giảm giá và 105 mã đứng giá.

Rổ cổ phiếu VN30 có 21 mã giảm giá và 9 mã tăng giá. Các mã giảm giá mạnh như POW giảm 6,34%, GVR giảm 4,3%, BVH giảm 2,66%. Cùng đó, các mã cổ phiếu trụ cột ngành ngân hàng cũng giảm khá mạnh như BID giảm 1,65%, VPB giảm 1,31%, TCB giảm 1,27%; các mã ngân hàng khác như CTG, VCB, VIB cũng đều ở chiều giá đỏ.

Ngành sản xuất nhựa - hóa chất có mức giảm mạnh nhất với DGC giảm 1,38%, DCM giảm 2,1%) và DPM giảm 1,11%. Sắc đỏ cũng tràn ngập ngành vận tải - kho bãi; ngành chăm sóc sức khỏe. Các nhóm dầu khí, chứng khoán, bất động sản... cũng ngập trong sắc đỏ.

Tại nhóm bất động sản, đáng chú  ý cổ phiếu QCG của Công ty Quốc Cường Gia Lai nhanh chóng giảm kịch sàn về mức 9.070 đồng/cổ phiếu, khối lượng dư bán ở mức giá sàn về cuối phiên lên tới hơn 3 triệu cổ phiếu. Đây đã là phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp của cổ phiếu này bất chấp thị trường lên hay xuống.

Kể từ thời điểm 30/6 đến nay cổ phiếu QCG đã giảm 33%, còn tính từ mức đỉnh 2 năm mà cổ phiếu này đạt được hồi tháng 4/2024 thì mức giảm được ghi nhận là gần 50%.

Trở lại diễn biến thị trường, hôm nay, cổ phiếu ngành bán lẻ hồi phục tích cực với MWG tăng 0,92%, FRT tăng 1,15%, CTF tăng 1,6%, CCI tăng 2,68%.

Khối ngoại hôm nay đảo chiều bán ròng gần 303 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi mua ròng mạnh 2 phiên trước đó.  

Theo đó, khối ngoại bán ròng 350 tỷ đồng trên HOSE. FPT bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị 228 tỷ đồng. Tiếp đến, VHM và TCB bị bán ròng lần lượt 159 và 105 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng 39 tỷ đồng trên HNX và 8 tỷ đồng trên UPCOM.

Câu chuyện khối ngoại bán ròng một cách quyết liệt được bàn luận sôi nổi tại Đối thoại tháng 7 với chủ đề "Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức" do Câu lạc bộ nhà báo chứng khoán tổ chức ngày 19-7.

Ông Nguyễn Quang Thuân, chủ tịch FiinGroup, cho biết sau khi trao đổi với đối tác, đã nắm được một số lý do chính khiến khối ngoại bán ròng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ nhất, các nhà đầu tư nước ngoài phân bổ lại tài sản, rút khỏi một số thị trường trong bối cảnh Fed vẫn neo lãi suất cao. Họ không kỳ vọng vào việc Fed giảm lãi suất, bởi vì tăng nhanh nhưng thường giảm sẽ chậm, ông Thuân nói.

Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài hiện thực hóa lợi nhuận trong bối cảnh xuất hiện rủi ro về tỉ giá Việt Nam. Nhiều cổ phiếu họ đầu tư và đã có lãi tới vài chục phần trăm nên việc hiện thực hóa lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay cũng là cần thiết.

Thứ ba, nhiều nhà đầu tư vẫn quan ngại thị trường chứng khoán Việt Nam với các yếu tố rủi ro được tính đến, như chất lượng tài sản ngân hàng, triển vọng thị trường bất động sản...

Ông Thuân nhấn mạnh việc nâng hạng đón dòng vốn mới, nhà đầu tư mới quan trọng, nhưng việc giữ chân các nhà đầu tư cũng cần thiết không kém.

Từ góc nhìn một quỹ đầu tư lớn và sớm nhất thị trường chứng khoán, ông Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital, cho biết 4 năm vừa qua khối ngoại đã bán ròng 4 tỉ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, tính riêng nửa đầu năm nay đã khoảng 2 tỉ USD. 

Ông Dominic Scriven cho rằng ngoài những yếu tố khách quan như việc tăng lãi suất của Mỹ, thị trường Việt Nam không có nhiều yếu tố mới và thú vị để thu hút sự quan tâm nhà đầu tư ngoại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục