Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều do thiếu yếu tố mang tính quyết định

13:14' - 21/11/2020
BNEWS Tuần vừa qua, chứng khoán Phố Wall lên xuống thất thường trong lúc có thông tin tích cực về triển vọng ra đời vắc-xin ngừa COVID-19 song song với nỗi lo ngại về số ca mắc và tử vong do dịch bệnh.

 

 

Tuần vừa qua, thị trường chứng khoán Phố Wall lên xuống thất thường, do nhà đầu tư "nửa mừng nửa lo" trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin tích cực về triển vọng ra đời vắc-xin ngừa COVID-19 song song với nỗi lo ngại về số ca mắc và tử vong do dịch bệnh trên toàn thế giới.

Điểm sáng trong bức tranh tuần này là cả hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều chạm mức cao kỷ lục mới trong phiên đầu tuần (16/11) sau khi tập đoàn công nghệ sinh học Moderna Inc của Mỹ thông báo vắc-xin thử nghiệm của hãng này đã phát huy tới 94,5% hiệu quả trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19.

Sang hai phiên tiếp theo, các chỉ số liên tiếp đi xuống khi thị trường chịu sức ép do diễn biến đáng quan ngại về tình trạng tăng vọt các ca mắc COVID-19 có thể dẫn đến những biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội mới.

Đến ngày 19/11, triển vọng đàm phán gói kích thích kinh tế mới tại Mỹ sau khi các nhà lập pháp hàng đầu nước này nhất trí nhóm họp sau nhiều tháng bế tắc đã tiếp động lực cho các chứng khoán Phố Wall đảo chiều đi lên.

Tuy nhiên, đà tăng này không duy trì được lâu khi thị trường rơi vào vùng đỏ trong phiên cuối tuần (20/11). Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,8% và đóng cửa phiên này ở mức 29.263,48 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng hạ 0,7% xuống 3.557,54 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 0,4% xuống 11.854,97 điểm.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 0,7% và 0,8%. Riêng Nasdaq tăng 0,2% so với thời điểm chốt phiên của tuần trước.

Các nhà quan sát nhận định sự gia tăng đột biến các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã lấn át tâm lý lạc quan về vắc-xin, đặc biệt là khi các biện pháp nhằm hạn chế đà lây lan dịch bệnh có thể “dội gáo nước lạnh” vào hy vọng hoạt động kinh tế có thể sớm trở lại bình thường.

Thị trường đã có những thời điểm khởi sắc khi nhà giao dịch quan tâm tới những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn trong lĩnh vực công nghệ và những ngành được hưởng lợi từ các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, yếu tố tiêu cực liên quan đến rạn nứt giữa Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn phủ đám mây đen lên thị trường cổ phiếu.

Ngày 20/11, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã lên tiếng bảo vệ quyết định không gia hạn một số chương trình cho vay khẩn cấp mà Fed triển khai nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. Theo đó, ông Mnuchin vẫn đang tuân theo ý định của Quốc hội trong việc từng bước loại bỏ các chương trình của Fed được hoạch định nhằm giúp hệ thống tài chính Mỹ vượt qua cú sốc COVID-19, nhấn mạnh rằng các khoản tiền mà ngân hàng trung ương chưa sử dụng đến cần được tái phân bổ cho những nỗ lực chống dịch.

Trước đó ông Mnuchin yêu cầu Fed chấm dứt 5 chương trình cho vay khẩn cấp và hoàn lại 455 tỷ USD chưa sử dụng đã được phân bổ cho những chương trình này. Fed sau đó đã ra tuyên bố bày tỏ thất vọng, đồng thời nhấn mạnh mong muốn tất cả các chương trình khẩn cấp được thực hiện nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 tiếp tục đóng vai trò quan trọng hỗ trợ nền kinh tế vẫn dễ bị tổn thương.

Quốc hội Mỹ vẫn đang bế tắc trong việc thông qua gói kích thích kinh tế mới khi đảng Dân chủ muốn số tiền cứu trợ lớn hơn mức đảng Cộng hòa sẵn sàng chi. Trong khi đó, việc truyền thông Mỹ đưa tin ông Joe Biden của đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, song đương kim Tổng thống Donald Trump từ chối công nhận kết quả, càng khiến triển vọng thông qua gói kích thích kinh tế mới thêm mờ mịt.

Theo Andrew Smith, nhà chiến lược đầu tư tại Delos Capital Advisors, quyết định của Bộ Tài chính đã khiến thị trường trở nên rất căng thẳng. Sự không chắc chắn về cuộc bầu cử, các câu hỏi về chương trình hỗ trợ tài chính và cơ sở hạ tầng hậu cần để có thể phân phối vắc-xin... là những yếu tố khác gây nhiễu động tâm lý nhà đầu tư.

Nhà kinh tế trưởng Gregory Daco tại Oxford Economics cho rằng các cơ chế cho vay khẩn cấp của Fed có hiệu quả hạn chế, nhưng "sự tồn tại của chúng là chìa khóa cho việc đảm bảo một biện pháp bảo vệ đáng tin cậy chống lại sự căng thẳng trên thị trường tài chính”. Trong khi cuộc khủng hoảng COVID-19 ngày càng tồi tệ và các hoạt động kinh tế chậm lại khi không có viện trợ tài chính, quyết định cắt giảm "hỏa lực" của Fed có thể làm xáo trộn thị trường và làm trầm trọng thêm các áp lực đối với nền kinh tế.

Tình hình dịch COVID-19 đã trở nên phức tạp hơn khi tại Mỹ và châu Âu, số ca mắc COVID-19 đã ghi nhận mức cao kỷ lục, còn ở một số quốc gia khác cũng đang chứng kiến mức tăng đột biến. Các thành phố lớn của Mỹ như New York cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và ngày 19/11, California đã thông báo lệnh giới nghiêm trên hầu hết các bang. Trong khi đó, Tokyo đã nâng cảnh báo đối với dịch COVID-19 lên mức cao nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục