Chứng khoán Mỹ chứng kiến tuần thứ hai giảm điểm

12:36' - 16/01/2016
BNEWS Mặc dù sắc xanh hiện diện tại Phố Wall trong ba trên năm phiên giao dịch của tuần qua, song đà giảm mạnh phiên cuối tuần vẫn khiến chứng khoán Mỹ tiếp tục chứng kiến một tuần giao dịch ảm đạm.
Những phiên tăng điểm tuần qua chỉ diễn ra với biên độ giao dịch hẹp. Ảnh: TTXVN

Tâm lý thận trọng của giới đầu tư khi khối doanh nghiệp Mỹ bắt đầu bước vào mùa báo cáo lợi nhuận quý IV/2015, giá dầu thế giới liên tục "lao dốc", cùng những lo ngại về tình trạng tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc là những nhân tố chính tạo áp lực lên thị trường cổ phiếu Mỹ trong tuần, khiến những phiên tăng điểm chỉ diễn ra với biên độ giao dịch hẹp.

Đáng chú ý, đợt báo tháo trên thị trường chứng khoán New York ngày 13/1 đã chặn lại đà đi lên trong hai phiên đầu tuần (11-12/1) và xóa đi hy vọng đang nhen nhóm trên các thị trường toàn cầu về một sự khởi sắc mới.

Hoạt động bán ra cổ phiếu được bắt đầu sau khi báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết kho dự trữ dầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới lại tiếp tục có thêm một tuần “đầy ắp”, khiến đà phục hồi của thị trường dầu thô bị chặn đứng và đẩy giá dầu Brent lần đầu tiên tụt xuống dưới mốc 30 USD/thùng kể từ tháng 4/2004.

Theo giới phân tích, nhu cầu dầu giảm tại Mỹ có thể là dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế về tổng thể đang chậm lại tại cường quốc này.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích Michael James tại Wedbush Securities nhận định, sức tiêu thụ dầu là một chỉ dấu quan trọng cho thấy sức mạnh của một nền kinh tế.

Phần lớn các nhà giao dịch thường nhìn nhận việc giảm nhu cầu dầu như là một dấu hiệu cho thấy sự giảm sút trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Mặc dù sự phục hồi nhẹ của giá dầu và báo cáo lợi nhuận khả quan của JPMorgan Chase đã giúp cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đảo chiều đi lên trong phiên 14/1, song thị trường năng lượng trượt dốc mạnh phiên cuối tuần, cộng thêm với triển vọng kém lạc quan của kinh tế Trung Quốc đã khiến Phố Wall chìm sâu trở lại vào "sắc đỏ" trong ngày giao dịch 15/1.

Đà đi xuống của chứng khoán Mỹ phiên cuối tuần diễn ra sau khi chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt hạ điểm bởi sự sụt giảm 3,6% của chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải trong phiên cùng ngày tại thị trường châu Á.

Hòa thêm vào xu hướng giảm của chứng khoán toàn cầu trong phiên này là việc giá dầu Mỹ lần đầu tiên đóng cửa ở mức dưới 30 USD/thùng kể từ năm 2003, trong khi giá dầu Brent tại London cũng chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2/2004.

Xu hướng giảm giá dầu hơn 1 năm rưỡi qua đã khiến lợi nhuận quý IV/2015 của hai ngân hàng lớn của Mỹ là Wells Fargo và Citigroup suy yếu, khi phải đối mặt với một loạt khoản nợ xấu liên quan tới lĩnh vực năng lượng.

David Levy, quản lý danh mục vốn đầu tư của Kenjol Capital Management, cho rằng thêm một nguyên nhân khác dẫn tới đà giảm mạnh của chứng khoán Mỹ phiên cuối tuần này là xu hướng bán tháo của giới đầu tư được tăng cường, bởi không nhà đầu tư nào lại muốn "ôm" thêm rủi ro trước khi thị trường đóng cửa để nghỉ lễ tưởng niệm Martin Luther King vào đầu tuần sau.

Kết thúc phiên giao dịch 15/1, tại thị trường New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 390,97 điểm (2,39 %), xuống 15.988,08 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 41,55 điểm (2,16%), xuống 1.880,29 điểm.

Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 126,69 điểm (2,74%), đóng cửa ở mức 4.488,42 điểm, sau khi có thời điểm giảm tới 4% vào giữa phiên.

Như vậy, sau khi khởi đầu rất tệ trong tuần giao dịch đầu Năm mới, chứng khoán Mỹ tiếp tục chứng kiến thêm một tuần giao dịch kém vui. Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones hạ 2,2%, S&P mất 2,2% và Nasdaq rớt 3,3%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục