Năm 2016: Chứng khoán Mỹ sẽ đối mặt với nhiều thách thức

17:28' - 29/12/2015
BNEWS Các chiến lược gia đã liệt kê một loạt thách thức lớn, từ khả năng có một năm bầu cử gây bất ổn đến một cuộc khủng hoảng ở tương lai, có thể đe dọa nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán Mỹ năm 2016.

Năm 2016 được dự đoán sẽ là một năm bận rộn đối với thị trường chứng khoán Mỹ. Hầu hết các chuyên gia đều dự đoán đây sẽ là năm thứ 7 thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng tốt, với chỉ số Standard & Poor's 500 (S&P 500) được dự báo sẽ đạt mức 2.207 điểm vào cuối năm 2016, cao hơn 8% so với mức hiện tại.

Tuy nhiên, các chiến lược gia cũng liệt kê một loạt thách thức lớn, từ khả năng có một năm bầu cử gây bất ổn đến một cuộc khủng hoảng ở tương lai, có thể đe dọa nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán Mỹ.

Thứ nhất, hầu hết trong số 30 chiến lược gia được hãng tin Reuters phỏng vấn đều nhận định lợi nhuận thấp là mối quan tâm hàng đầu của họ.

Mức tăng của chỉ số S&P 500 - một trong những chỉ số được các nhà đầu tư đánh giá là thước đo tốt nhất của thị trường chứng khoán Mỹ cũng như là một chỉ số chủ đạo của nền kinh tế - được dự đoán không có biến động trong cuối năm 2015.

Trong khi đó, giá các cổ phiếu tại Mỹ hiện cũng đã rất đắt đỏ. Các chuyên gia dự đoán lợi nhuận từ cổ phiếu sẽ tăng 3,9% trong năm 2016 và bất cứ chi phí nào tăng như chi phí nhân công cũng sẽ tác động tới doanh thu của các công ty.

Năm 2016 được dự đoán sẽ là một năm bận rộn đối với thị trường chứng khoán Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Thứ hai, sự mạnh lên của đồng USD cũng là một yếu tố tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán.

Đồng USD đã tăng 8,4% so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ quốc tế trong năm 2015 và được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng này trong năm tới khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, trong khi các nước khác tiếp tục nới lỏng các chính sách tiền tệ.

Điều này có thể gây sức ép đối với các công ty Mỹ chuyên xuất khẩu ra nước ngoài bởi các mặt hàng sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

Thứ ba là nguy cơ người dân có thể bỏ phiếu cho một ứng cử viên thiếu kinh nghiệm đảm nhiệm chức Tổng thống Mỹ.

Trong lịch sử, thị trường chứng khoán thường có phản ứng tốt trong những năm bầu cử tổng thống bất chấp ứng cử viên thuộc đảng nào dành chiến thắng. Đơn cử, tính từ năm 1950, chỉ số S&P đã tăng mạnh trong 13 trên tổng số 16 năm diễn ra bầu cử tổng thống.

Tuy nhiên, năm 2016 có thể là một ngoại lệ khi tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần này có hai ứng cử viên "ngoài cuộc" là tỷ phú bất động sản Donald Trump và Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders.

Các nhà phân tích nhận định các hoạt động bầu cử trong năm tới sẽ khiến thị trường chứng khoán biến động.

Thứ tư là mối lo ngại về việc FED có thể đẩy mạnh việc tăng lãi suất cơ bản. Thị trường chứng khoán tăng điểm vào ngày 16/12 khi FED công bố lần đầu tiên nâng lãi suất sau gần 8 năm kèm với cam kết sẽ từng bước điều chỉnh tăng lãi suất trong tương lai.

Tuy nhiên, nếu FED tiếp tục tăng lãi suất mà không cân nhắc đến tỷ lệ lạm phát và các khoản thu nhập tăng cao hơn, điều này sẽ đe dọa đến thị trường chứng khoán. Ngoài ra, lãi suất tăng cũng khiến cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn so với các tài sản khác như trái phiếu.

Thứ năm, sự lao dốc của giá dầu, vốn gây tổn thương cho các công ty năng lượng, các ngân hàng và các nhà đầu tư, đã khiến giới đầu tư sợ hãi. Hiện giá dầu đang ở mức khoảng 37 USD/thùng, giảm hơn 65% kể từ tháng 6/2014.

Chuyên gia John Manley thuộc ngân hàng Wells Fargo dự báo nếu giá dầu và giá các hàng hóa khác tiếp tục biến động, nguy cơ giảm phát sẽ lan rộng, khi doanh thu của các công ty thuộc lĩnh vực này và các doanh nghiệp tài chính cũng như các nhà cung cấp khác đều có xu hướng suy giảm.

Thứ sáu, giới chuyên gia lo ngại thậm chí giá xăng dầu xuống dưới mức 2 USD/thùng, người tiêu dùng cũng sẽ không đẩy mạnh chi tiêu, trong khi tỷ lệ lãi suất cao cũng sẽ khiến họ dồn hết tiền vào các khoản tiết kiệm.

Thứ bảy, sự giảm tốc cũng như triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế Trung Quốc cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hàng hóa hay sự cân bằng trên thị trường tiền tệ.

Hơn nữa, những tác động từ hoạt động kinh tế yếu kém tại Trung Quốc có thể lan ra toàn cầu, gây tổn thương cho các thị trường mới nổi và cả kinh tế Mỹ.

Cuối cùng, có ít nhất 9 trong số các chiến lược gia được phỏng vấn đã liệt kê hoạt động khủng bố hay tình hình bất ổn tại Trung Đông là một trong những mối lo ngại lớn nhất đối với thị trường chứng khoán năm 2016.

Theo các chuyên gia, những yếu tố trên ảnh hưởng đến cả hoạt động du lịch và thương mại. Họ cũng lo ngại khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống ở Trung Đông có thể dễ dàng đẩy giá dầu tăng vọt, đồng thời làm tăng chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Với những thách thức trên, các chiến lược gia nhận định có thể nói, thị trường phố Wall "đang leo lên một bức tường đầy rẫy sự lo lắng"./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục