Chứng khoán Mỹ 2016 sẽ lại nhiều thăng trầm

11:53' - 10/01/2016
BNEWS Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng 2016 sẽ là năm “thăng hoa” đối với chứng khoán Phố Wall, khi chỉ số S&P 500 được dự báo sẽ kết thúc năm ở ngưỡng 2.207 điểm, tăng khoảng 8% so với mức hiện nay
Năm 2016 sẽ là năm “thăng hoa” đối với chứng khoán Phố Wall. Ảnh:THX/TTXVN

Tạm biệt năm 2015 đầy sóng gió, thị trường chứng khoán Mỹ bước vào năm mới 2016 với nhiều niềm hy vọng mới, giữa bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang sải bước trên con đường phục hồi.

Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng 2016 sẽ là năm “thăng hoa” đối với chứng khoán Phố Wall, khi chỉ số S&P 500 được dự báo sẽ kết thúc năm ở ngưỡng 2.207 điểm, tăng khoảng 8% so với mức hiện nay. Tuy nhiên, những ngày đầu tiên của Năm mới đã diễn ra không suôn sẻ như kỳ vọng.

Sự kiện chứng khoán Trung Quốc phải đóng cửa sớm trong hai phiên giao dịch 4/1 và 7/1 do cơ chế "tự động ngừng giao dịch" đã khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tục rơi vào vùng đỏ. Bên cạnh đó, những quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang trong mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran, sau khi Riyadh quyết định hành quyết một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite, cũng là nguyên nhân khiến thị trường Phố Wall chao đảo trong những ngày đầu năm.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều yếu tố khác chi phối chứng khoán Mỹ trong năm 2016. Hầu hết 30 chiến lược gia tham gia cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện đều tỏ ra bi quan về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2016.

Trong năm 2015, lợi nhuận của mảng doanh nghiệp gần như “dậm chân tại chỗ” và sang đến năm 2016, tình hình cũng không mấy khả quan khi các chuyên gia phân tích dự báo doanh thu của doanh nghiệp sẽ chỉ tăng 3,9%. Như vậy, trong năm nay, nếu chi phí hoạt động tăng cao thì doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ lợi nhuận “đi ngang” năm thứ hai liên tiếp.

Lợi nhuận của một doanh nghiệp, phản ánh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đó, là một trong những yếu tố mang tính quyết định đối với giá trị cổ phiếu của họ. Và tất nhiên, một khi lợi nhuận không được như mong đợi, giá trị cổ phiếu chắc chắn bị ảnh hưởng.

Ngoài bài toán về lợi nhuận, xu hướng chuyển động của đồng USD cũng sẽ là yếu tố chi phối thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay. Trong năm 2015, đồng bạc xanh đã tăng 8,4% so với giỏ các đồng tiền chủ chốt và được dự báo sẽ tiếp tục đi lên vào năm tới, trong bối cảnh các chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ đang đi ngược lại với phần lớn những khu vực còn lại của thế giới như châu Âu hay Nhật Bản.

Như một lẽ dĩ nhiên, đồng bạc xanh lên giá sẽ khiến hàng hóa của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn tại nước ngoài, từ đó tạo áp lực lên các công ty xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Wolfgang Koester, Giám đốc điều hành thuộc hãng cung cấp dịch vụ tư vấn về rủi ro tiền tệ FireApps, dự báo đồng USD tăng giá sẽ khiến thu nhập trong quý I/2016 của các doanh nghiệp Mỹ có giao thương với nước ngoài giảm 3-4%.

Và tất nhiên, với vị thế là “chiếc xương sống” của mọi khía cạnh kinh tế vĩ mô, “sức khỏe” doanh nghiệp là điều tối quan trọng đối với xu hướng chuyển động của các sàn chứng khoán.

Biến động của chứng khoán Trung Quốc đã khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tục rơi vào vùng đỏ. Ảnh:THX/TTXVN

Hồi tháng 12/2015, thị trường chứng khoán toàn cầu đã phản ứng tích cực trước quyết định nâng lãi suất lịch sử của Fed. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn quan ngại rằng trong tương lai, nếu vì một lý do nào đó mà Fed vẫn tăng lãi suất bất chấp tình hình lạm phát và thu nhập của đất nước không được cải thiện thì các sàn chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Lãi suất được tăng cao sẽ khiến chứng khoán mất chỗ đứng trong mắt giới đầu tư để nhường cho những tài sản sinh lời khác như trái phiếu chính phủ.

Năm 2015 có thể được coi là một năm đen đủi của thị trường năng lượng toàn cầu, khi giá dầu “rơi tự do” xuống dưới mức 40 USD/thùng.

Sang đến năm 2016, triển vọng cũng không sáng sủa hơn, đặc biệt là khi những căng thẳng gần đây trong mối quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran đã đặt dấu chấm hết cho những hy vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ đồng ý cắt giảm sản lượng dầu để giải quyết tình trạng cung vượt cầu trên thị trường năng lượng.

Dầu tiếp tục mất giá sẽ tác động tiêu cực đến các công ty năng lượng và khi giá dầu không thể bình ổn, mối nguy giảm phát sẽ nổi lên, khiến lợi nhuận sụt giảm, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty tài chính và các nhà cung cấp.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ có xu hướng trì hoãn chi tiêu để chờ giá xăng dầu tiếp tục hạ sâu hơn. Đồng thời, lãi suất tăng cao cũng khuyến khích họ tăng cường tiết kiệm. Điều này sẽ khiến doanh thu bán hàng sụt giảm, từ đó gây ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và lợi nhuận doanh nghiệp nói riêng, cũng như các chỉ số chứng khoán.

Ngày 11/8/2015, chứng khoán Mỹ đã trải qua một phen điêu đứng sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng trung ương) bất ngờ hạ giá đồng NDT khoảng gần 2% so với đồng USD, với chỉ số công nghiệp Dow Jones, S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lần lượt giảm 1,21%, 0,96% và 1,27%.

Trong bối cảnh triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc chưa có dấu hiệu khả quan trong năm nay, giới đầu tư quan ngại rằng nhu cầu tiêu dùng trên thế giới sẽ sụt giảm do Trung Quốc là nước có dân số đông nhất thế giới. Hơn nữa, với vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi Trung Quốc “hắt hơi” thì cả thế giới chắc chắn cũng sẽ “sổ mũi”, trong đó những thị trường mới nổi không phải là ngoại lệ.

Ngoài những khó khăn về mặt kinh tế, năm 2015 cũng là năm cả thế giới đối mặt với một vấn nạn tuy không mới song lại nhức nhối hơn bao giờ hết đó là khủng bố.

Phần lớn chiến lược gia tham gia cuộc khảo sát của Reuters đã bày tỏ lo ngại mối nguy khủng bố và những bất ổn tại khu vực Trung Đông là “chướng ngại vật” lớn nhất của thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2016.

Steve Auth, Giám đốc phụ trách mảng đầu tư chứng khoán thuộc công ty cung cấp các dịch vụ tài chính Federated Investors (Mỹ), cho hay các bất ổn địa chính trị sẽ khiến du lịch và thương mại “đóng băng”, đồng thời tạo ra tâm lý “phòng thủ” của người dân, khiến tiêu dùng đình trệ.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tại Trung Đông có xu hướng đẩy giá dầu lên cao, kéo theo đó là chi phí hoạt động của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đưa họ trở về với bài toán về doanh thu và lợi nhuận.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục