Chứng khoán Mỹ có tuần giao dịch tích cực

13:41' - 16/04/2016
BNEWS Mặc dù đi xuống vào phiên cuối tuần, do sức ép từ đà giảm của giá dầu và báo cáo đáng thất vọng về doanh số bán điện thoại iPhone của Apple, chứng khoán Mỹ vẫn ghi nhận tuần giao dịch tích cực.

Chứng khoán Mỹ có tuần giao dịch tích cực. Ảnh: Reuters
Phố Wall khởi động tuần giao dịch này (ngày 11/4) trong "sắc đỏ", khi giới đầu tư không mấy lạc quan về triển vọng của mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ trong quý I/2016.

Thậm chí, Thomson Reuters còn dự báo rằng thu nhập trung bình của các doanh nghiệp thuộc nhóm S&P 500 giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sẽ chứng kiến mức suy giảm lớn nhất.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ đã nhanh chóng đảo chiều đi lên trong phiên giao dịch liền sau đó (12/4) và duy trì đà tăng trong ba phiên liên tiếp, nhờ sự phục hồi của giá dầu thế giới, báo cáo lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng của JPMorgan Chase giúp nâng giá cổ phiếu của một loạt ngân hàng lớn khác.

Ngoài ra, "sắc xanh" của Phố Wall còn được tô điểm bởi các tín hiệu tích cực mới phát đi từ kinh tế Trung Quốc, làm dấy lên hy vọng rằng đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể đang bứt đáy.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 11,5% trong tháng 3/2016, lên 160,8 tỷ USD, lần tăng đầu tiên trong chín tháng.

Trong khi theo báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), trong quý I vừa qua, đầu tư vào tài sản cố định của nước này tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 10,2% của hai tháng đầu năm; đầu tư vào bất động sản cũng tăng 6,2%, số nhà xây mới và doanh số bán nhà đều tăng, sản lượng công nghiệp của 3 tháng đầu năm nay cũng tăng khá và doanh số bán lẻ tăng 10,5%, vượt dự báo của các nhà phân tích.

Dù vậy, xu hướng đi lên của chứng khoán Mỹ vẫn bị chặn lại trong phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 15/4), do giá dầu sụt giảm kéo giá một loạt cổ phiếu năng lượng đi xuống, giữa bối cảnh giới đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng trước thềm cuộc họp giữa các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt ngày 17/4 tới tại Doha.

Trước đó, một số chuyên gia phân tích nhận định rằng cuộc họp giữa các "đại gia" dầu mỏ vào ngày mai (17/4) về thỏa thuận "đóng băng" sản lượng dầu mỏ sẽ không giúp "xoa dịu" đáng kể tình trạng dôi dư nguồn cung dầu toàn cầu, thay vào đó các nước phải tính tới việc cắt giảm sản lượng mới có thể thúc đẩy giá mặt hàng này.

Điều này càng được củng cố sau khi Iran vừa tuyên bố Bộ trưởng Dầu mỏ nước này, Bijan Zanganeh, sẽ không tham gia các cuộc đàm phán tại Doha cuối tuần này.

Khép lại phiên giao dịch 15/4, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 28,97 điểm (0,16%), xuống 17.897,46 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 2,05 điểm (0,10%), xuống 2.080,73 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 7,67 điểm (0,16%), xuống 4.938,22 điểm.

Đáng chú ý, giá cổ phiếu của Apple trong phiên này cũng giảm 2%, sau khi báo cáo từ Nikkei Asian Review cho hay tập đoàn công nghệ danh tiếng này giảm sản xuất dòng điện thoại thông minh iPhone do doanh số bán mặt hàng này trong quý II/2016 dự kiến sẽ suy yếu.

Thêm vào đó, báo cáo ngày 15/4 của Chính phủ Trung Quốc cho hay kinh tế nước này tiếp tục tăng chững lại trong quý I/2016 và chỉ đạt 6,7%. Đây là mức tăng trưởng hàng quý thấp nhất trong vòng 7 năm qua, mặc dù chỉ số tăng trưởng trong tháng Ba có cải thiện. Thông tin này cũng tác động xấu tới tâm lý các nhà đầu tư cổ phiếu và góp phần tạo nên "sắc đỏ" của Phố Wall phiên cuối tuần.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 1,8%, S&P 500 tiến 1,6% và Nasdaq Composite ghi thêm 1,8%. Đây là tuần tăng thứ bảy của chỉ số S&P trong vòng chín tuần qua.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục