Chứng khoán Mỹ: Nhà đầu tư cá nhân “tham lam khi người khác sợ hãi”

14:51' - 11/04/2025
BNEWS Các nhà đầu tư cá nhân đã đổ hàng tỷ USD vào thị trường chứng khoán Mỹ trong những ngày gần đây.

Thông báo ngày 2/4 của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế quan rộng rãi và mạnh tay đã khiến thị trường chứng khoán chao đảo, khi các nhà đầu tư lo ngại rằng thuế nhập khẩu sẽ kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng và đẩy lạm phát lên cao.

Một số chiến lược gia của Phố Wall đã hạ dự báo của họ đối với chỉ số S&P 500, một chỉ số chuẩn của các công ty đại chúng lớn nhất tại Mỹ, trong khi nhiều chuyên gia kinh tế đã tăng dự báo về khả năng xảy ra suy thoái.

Đúng một tuần sau đó, ngày 9/4, ông Trump đã quyết định tạm hoãn 90 ngày đối với việc áp thuế quan với nhiều nước và vùng lãnh thổ, viện dẫn lo ngại của nhà đầu tư là một trong những lý do dẫn đến quyết định này. Thị trường chứng khoán ngay lập tức có phản ứng tích cực, với chỉ số S&P 500 tăng vọt hơn 9% trong phiên 9/4, đánh dấu ngày giao dịch tốt nhất kể từ năm 2008.

 

Trong suốt một tuần đó, các nhà đầu tư tổ chức đã ồ ạt bán tháo cổ phiếu, khiến S&P 500 có lúc rơi vào trạng thái thị trường giá xuống (tức giảm 20% so với đỉnh gần nhất). Tuy nhiên, dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Vanda Research, một chuyên gia uy tín về xu hướng đầu tư cá nhân, cho thấy các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại hành động hoàn toàn ngược lại.

Cụ thể, vào ngày 3/4, trong khi S&P 500 giảm gần 5% sau thông báo ban đầu của ông Trump, các nhà đầu tư cá nhân đã rót ròng hơn 3 tỷ USD vào chứng khoán Mỹ, mức lớn nhất theo ngày từng được ghi nhận, theo dữ liệu của Vanda Research từ năm 2014.

Các nhà đầu tư nhỏ tiếp tục mua ròng cổ phiếu trong ba ngày tiếp theo khi thị trường sụt giảm. Tổng cộng, các nhà giao dịch cá nhân đã rót ròng khoảng 8,8 tỷ USD vào thị trường chứng khoán Mỹ từ ngày 3-8/4, theo Vanda Research.

Những giao dịch mua này diễn ra trong giai đoạn đặc biệt khó khăn đối với thị trường. Trong khoảng thời gian từ khi đóng cửa ngày 2/4 đến cuối phiên giao dịch ngày 8/4, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã mất hơn 4.500 điểm và S&P 500 giảm 12%.

Tương tự, ngân hàng JPMorgan nhận thấy các nhà giao dịch cá nhân đã mua khoảng 11 tỷ USD cổ phiếu trong bảy ngày tính đến ngày 9/4. Con số này cao hơn khoảng 2,5 lần so với mức trung bình của năm ngoái.

Làn sóng bắt đáy này diễn ra ngay cả khi thị trường ngày càng rủi ro. Chỉ số biến động CBOE (VIX), "thước đo nỗi sợ hãi" của Phố Wall, trong tuần này đã ghi nhận các mức cao chưa từng thấy kể từ đầu năm 2020. Chỉ số Dow Jones đã chứng kiến mức dao động điểm trong ngày lớn nhất trong lịch sử vào ngày 7/4.

Các nhà đầu tư cá nhân vẫn giữ vững lập trường bất chấp những biến động. Ông Mark Malek, Giám đốc đầu tư của công ty Siebert Financial, cho biết bộ phận khách hàng cá nhân của công ty này đã chứng kiến nhu cầu mua mạnh vào ngày 9/4, ngay cả khi thông báo của ông Trump về việc giảm thuế nhập khẩu đã đẩy thị trường tăng cao.

Ông Malek cho biết các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đang nhận được sự quan tâm đáng kể. Ngân hàng JPMorgan cho biết Nvidia đã thu hút khoảng 6/7 tổng số tiền mà các nhà đầu tư cá nhân rót vào cổ phiếu riêng lẻ từ ngày 2-9/4.

Ngay cả khi niềm tin của người tiêu dùng giảm sút và nỗi lo suy thoái xoáy sâu, các nhà đầu tư cá nhân tin rằng những ngày gần đây là thời điểm tốt để dốc tiền mặt vào cổ phiếu.

Anh Namaan Mian, 33 tuổi, Giám đốc điều hành tại một công ty đào tạo tư vấn, đã đẩy nhanh tiến độ đầu tư hàng năm của mình, khi nhận thấy sự sụt giảm trong những ngày gần đây là một thời điểm tốt để nhà đầu tư tham gia thị trường. Anh Mian chia sẻ rằng anh không bận tâm đến khả năng suy thoái kinh tế hoặc điều gì sẽ xảy ra với thuế quan của ông Trump. Với tư duy tách rời cảm xúc khỏi quyết định đầu tư và luôn lên kế hoạch nắm giữ cổ phiếu lâu dài, anh cho biết việc chứng kiến thị trường biến động thậm chí có thể trở nên "thú vị".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục