Phản ứng của UNCTAD về thuế quan của Mỹ

12:47' - 11/04/2025
BNEWS Người đứng đầu Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), bà Rebeca Grynspan kêu gọi Mỹ tránh để "nỗi đau của thuế quan" ảnh hưởng tới các quốc gia nghèo nhất.
Ngày 10/4, người đứng đầu Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), bà Rebeca Grynspan kêu gọi Mỹ tránh để "nỗi đau của thuế quan" ảnh hưởng tới các quốc gia nghèo nhất, trong bối cảnh thế giới có nguy cơ rơi vào một cuộc chiến thương mại toàn cầu sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo các mức thuế quan mới.
 

Bà Grynspan cho biết: "Khi hai nền kinh tế lớn nhất áp đặt thuế quan, điều đó sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, không chỉ các nền kinh tế tham gia vào cuộc chiến thuế". Bà Grynspan bày tỏ đặc biệt lo ngại về số phận của các quốc gia nhỏ hơn, dễ bị tổn thương như những quốc gia kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển.

Theo bà Grynspan, các quốc gia nghèo chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô được sử dụng trong sản xuất của Mỹ, không góp phần vào thâm hụt thương mại của Mỹ nên họ không phải là đối thủ cạnh tranh hoặc mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ. Vì vậy, bà kêu gọi giúp những quốc gia này tránh khỏi nỗi đau về thuế quan.

Người đứng đầu UNCTAD nhận định thế giới đang ở trong một “trạng thái bình thường mới” với tăng trưởng thấp và nợ cao, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại. Bà Grynspan cảnh báo: "Nếu chúng ta có một thời gian dài bất ổn, khi mọi thứ thay đổi liên tục, điều này sẽ gây tổn hại vì chúng ta không biết phải làm gì".

Cảnh báo trên được đưa ra sau khi ông Trump bất ngờ tuyên bố hoãn thuế trong 90 ngày đối với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã hoan nghênh quyết định bất ngờ của Tổng thống Trump về việc tạm hoãn áp thuế đối ứng đối với hàng hóa từ nhiều đối tác thương mại, trong đó có Liên minh châu Âu (EU).

Trong một tuyên bố trên mạng xã hội X, bà von der Leyen đánh giá đây là bước đi quan trọng hướng tới việc ổn định nền kinh tế toàn cầu. Bà nhấn mạnh "các điều kiện rõ ràng, có thể dự đoán được là điều cần thiết để thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu hoạt động hiệu quả", đồng thời khẳng định EU vẫn cam kết theo đuổi thỏa thuận thương mại không rào cản và đôi bên cùng có lợi với Mỹ. Bà cũng tái khẳng định việc ủng hộ thỏa thuận "0% đổi 0%" giữa hai bên.

Tuần trước, Tổng thống Trump đã thông báo áp thuế quan 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU. Tuy nhiên, ngày 9/4, ông bất ngờ tuyên bố tạm đình chỉ áp dụng mức thuế quan trong 90 ngày đối với một số đối tác thương mại không có động thái trả đũa. Động thái này đã lập tức tạo hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy đà tăng mạnh trên các thị trường chứng khoán toàn cầu.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cũng lên tiếng ủng hộ hướng đi mới của Mỹ, nhấn mạnh rằng châu Âu và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận thương mại cùng có lợi, đồng thời kêu gọi tiếp tục đàm phán thay vì phản ứng gay gắt.

Bộ trưởng Kinh tế Italy (I-ta-li-a) Giancarlo Giorgetti cho biết Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), ngoại trừ Mỹ, đã thảo luận cách thức phản ứng với kế hoạch áp thuế của Mỹ, các biện pháp nhằm xoa dịu tình hình cũng như kéo Chính quyền Tổng thống Trump ngồi vào bàn đàm phán để có được lập trường hợp lý hơn. Cũng theo lời người đứng đầu ngành ngoại giao Italy, nước này hoan nghênh việc Tổng thống Trump tạm ngừng áp thuế đối ứng để tạo cơ sở đàm phán.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo Financial Times, Ủy viên Năng lượng của EU Dan Jorgensen cho biết khối này sẽ cân nhắc mua thêm khí đốt tự nhiên từ Mỹ trong bối cảnh chịu sức ép từ thuế quan của Tổng thống Trump.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục