Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong tuần thứ hai liên tiếp

13:19' - 24/09/2016
BNEWS Các chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán Mỹ khép lại phiên 23/9 ở gần mức thấp nhất trong phiên này, với tâm lý nhà đầu tư trở nên u ám do ảnh hưởng của giá dầu thế giới giảm mạnh.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong tuần thứ hai liên tiếp. Ảnh minh họa: adweek.com

Tuy nhiên, phiên cuối tuần đánh dấu tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp của chứng khoán Phố Wall, nhờ quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp chính sách mới nhất.

Hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán New York khá trầm lắng trong ba phiên đầu tuần (19-21/9) khi nhà đầu tư “án binh bất động” chờ đợi diễn biến cuộc họp của hai thể chế ngân hàng lớn là Fed và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).

Tuy nhiên, Phố Wall sôi động trở lại ngay khi có kết quả cuộc họp của Fed. Theo đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,25-0,5%.

Chủ tịch Fed Janet Yellen cho biết dù ngân hàng này đánh giá cao những cải thiện kinh tế sau 6 tháng đầu năm tới nay nhưng các quan chức Fed vẫn cần có thêm nhiều dấu hiệu hơn chứng tỏ nền kinh tế hàng đầu thế giới phục hồi hoàn toàn. Theo FOMC, Fed cũng tin tưởng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đà phục hồi trong quý II/2016 và không loại trừ khả năng tăng lãi suất trước cuối năm nay.

Bên cạnh đó, sau cuộc họp kéo dài hai ngày 20-21/9, BoJ thông báo những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ, chuyển mục tiêu sang duy trì lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%.

BoJ cũng giữ nguyên lãi suất tiền gửi của các tổ chức tài chính ở mức -0,1% và tiếp tục mua trái phiếu chính phủ dài hạn để đảm bảo tăng lượng nắm giữ mỗi năm 80.000 tỷ yen (781 tỷ USD). Ngân hàng này cũng cam kết tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nếu cần cho đến khi đạt được và duy trì lạm phát ở mức mục tiêu 2%.

Kịch bản chích sách của Fed và BoJ được hé lộ giúp Phố Wall tràn ngập màu xanh. Đáng chú ý, phiên 21/9 và 22/9 đều ghi nhận chỉ số công nghệ Nasdaq xác lập mức chốt phiên cao kỷ lục mới, lần lượt là 5.295,18 điểm và 5.339,52 điểm.

Tuy nhiên, đến phiên cuối tuần (23/9), giá dầu giảm kéo giá cổ phiếu của các công ty năng lượng đồng loạt đi xuống và phủ sắc đỏ lên thị trường chứng khoán Mỹ.

Cụ thể, kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,7%, xuống 18.261,45 điểm với giá của ba trong tổng số 30 cổ phiếu blue-chip chốt phiên trong vùng dương.

Chỉ số S&P 500 cũng giảm 0,6%, xuống 2.164,69 điểm, với giá trị của nhóm cổ phiếu ngành năng lượng mất 1,3%, trong lúc chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 0,6%, và đóng cửa ở mức 5.305,75 điểm.

Đáng chú ý, giá cổ phiếu của “người khổng lồ” công nghệ Apple Inc. giảm 1,6% sau khi cơ quan thuế vụ Nhật Bản yêu cầu chi nhánh của hãng Apple tại nước này nộp phạt do “lơ là” trong việc đóng thuế thu nhập từ bán bản quyền các phần mềm nghe nhạc và xem video.

Trong khi đó, giá cổ phiếu của công ty Twitter Inc. bật tăng 22% khi thị trường đón nhận thông tin các cuộc đàm phán mua lại trang mạng xã hội này đang “nóng lên”.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tiến thêm 0,8%, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều tăng 1,2%.

Theo báo cáo thống kê sơ bộ, công bố cùng ngày 23/9, cho thấy xu hướng tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực chế tạo Mỹ, với Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) khu vực chế tạo của Mỹ giảm từ 52 của tháng Tám xuống 51,4 trong tháng Chín – mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016. Ngưỡng 50 (điểm) có ý nghĩa phân định xu hướng tăng trưởng và sa sút của một lĩnh vực.

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, ông Eric Rosengren nhận định nguy cơ suy thoái gia tăng do Fed không tăng lãi suất. Trước đó, ông Rosengren phản đối quyết định giữ nguyên lãi suất và ủng hộ kế hoạch tăng lãi suất chủ chốt.

Với những đồn đoán xung quanh quyết sách của Fed nay đã lắng dịu, nhà đầu tư đang hướng sự chú ý đến mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp sắp tới và diễn biến của cuộc chạy đua vào vị trí Tổng thống Mỹ. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục