Chứng khoán Nhật Bản ghi nhận mức giảm sâu nhất kể từ đại dịch

16:45' - 02/08/2024
BNEWS Chứng khoán Nhật Bản dẫn đầu đà giảm tại châu Á trong phiên 2/8, do đồng yen mạnh hơn và kỳ vọng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong giai đoạn tới

*Chứng khoán Nhật Bản dẫn đầu đà giảm mạnh tại châu Á

Chứng khoán Nhật Bản dẫn đầu đà giảm mạnh tại châu Á . Ảnh: Kyodo-TTXVN

Theo đó, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo đóng cửa giảm 2.216,63 điểm hay 5,81% xuống 35.909,70 điểm. Đây là mức giảm lớn nhất của chỉ số này kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát bốn năm trước.

Theo giới quan sát, mức sụt giảm trên do đồng yen mạnh hơn và ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu quan trọng của Nhật Bản.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Tokyo cũng chịu ảnh hưởng từ việc cả ba chỉ số chính tại Phố Wall đều giảm đáng kể khi dữ liệu sản xuất yếu làm dấy lên lo ngại về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái.

Tin tức này đã giáng một đòn mạnh vào các nhà đầu tư, những người cũng đang phải đối mặt với mùa báo cáo thu nhập đáng thất vọng từ các công ty công nghệ lớn - vốn là động lực chính của đợt tăng giá toàn cầu đã giúp đẩy nhiều thị trường lên nhiều mức cao kỷ lục trong năm nay.

Tại Trung Quốc, các chỉ số chính cũng không nằm ngoài “làn sóng” giảm điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã giảm tới 2,1% xuống mức 16.945,51 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng mất 0,9% ở mức 2.905,34 điểm.

Trên các thị trường khác, chứng khoán Sydney giảm hơn 2%, Seoul giảm hơn 3% và Taipei giảm hơn 4%. Chứng khoán tại Mumbai, Bangkok, Wellington, Manila, Singapore và Jakarta cũng nằm trong vùng giảm điểm.

Tại thị trường trong nước kết thúc phiên giao dịch ngày 2/8, chỉ số VN - Index tăng 9,64 điểm (0,79%) lên 1.236,60 điểm. Chỉ số HNX - Index tăng 2,33 điểm (1,02%) lên 231,56 điểm.

* Triển vọng lãi suất của Fed giúp vàng đi lên

Giá vàng tăng vào chiều 2/8 nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn và triển vọng cắt giảm lãi suất vào tháng Chín của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong khi những người tham gia thị trường chờ đợi số liệu việc làm tháng Bảy của nước này.

Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 2.463,48 USD/ounce vào đầu giờ chiều Việt Nam. Mức này chỉ kém 20 USD so với mức đỉnh kỷ lục là 2.483,60 USD/ounce được thiết lập vào tháng Bảy.

Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 1,1% lên 2.507,80 USD/ounce.

 
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi báo cáo việc làm của Mỹ, dự kiến được công bố lúc 12 giờ 30 phút (giờ GMT) để tìm thêm tín hiệu về lộ trình chính sách tiền tệ của Fed.

Trước đó vào ngày 31/7, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết có thể cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 9/2024 nếu nền kinh tế Mỹ đi theo lộ trình dự kiến.

Ông Ajay Kedia, giám đốc tại công ty môi giới đầu tư Kedia Commodities cho biết giá vàng có thể vượt mốc 2.500 USD/ounce nếu căng thẳng địa chính trị tiếp tục bùng phát và báo cáo việc làm tại Mỹ yếu, làm tăng khả năng Fed cắt giảm lãi suất tới 50 điểm cơ bản vào tháng Chín.

Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng. 

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,3% lên 28,92 USD/ounce. Giá bạch kim cũng tiến 1,3% lên 973,60 USD/ounce.

Tại Việt Nam, khép phiên 2/8, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 78,30-79,80 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

* Giá dầu kéo dài chuỗi giảm sang tuần thứ tư

Giá dầu tăng trong phiên 2/8, nhưng đang hướng tới tuần giảm thứ tư liên tiếp khi các dấu hiệu đáng thất vọng về tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đã lấn át nỗi lo về khả năng gián đoạn nguồn cung.

Phiên này, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 55 xu Mỹ (tương đương 0,7%) lên 80,08 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến 57 xu Mỹ (0,8%) lên 76,89 USD/thùng.

Cả hai loại dầu tiêu chuẩn đều giảm khoảng 7,3% trong bốn tuần qua, đánh dấu chuỗi giảm liên tiếp dài nhất trong năm nay.

Số liệu kinh tế đáng thất vọng từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu cùng một cuộc khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất yếu hơn trên khắp châu Á, châu Âu và Mỹ đã làm tăng nguy cơ đà phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn yếu, gây áp lực lên nhu cầu năng lượng.

Hoạt động sản xuất suy yếu ở Trung Quốc cũng kìm hãm giá cả, làm tăng thêm mối lo ngại về tăng trưởng nhu cầu sau khi số liệu tháng Sáu cho thấy hoạt động nhập khẩu và lọc dầu tại nước này đã thấp hơn năm ngoái.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục