Chứng khoán Nhật Bản thăng hoa sau quyết sách của BoJ

16:27' - 29/01/2016
BNEWS Thông tin BoJ áp dụng chính sách lãi suất âm -0,1% đã khiến thị trường rất bất ngờ và ngay lập tức đẩy chỉ số chứng khoán Nikkei 225 tăng vọt hơn 3%.

Kết thúc tháng giao dịch đầu tiên đầy thăng trầm của Năm mới 2016 (29/1), các sàn chứng khoán châu Á rực rỡ sắc xanh sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) gây bất ngờ với quyết sách áp dụng lãi suất âm để ngăn chặn mối nguy giảm phát và nền kinh tế tăng trưởng yếu ớt.

Chứng khoán Nhật Bản thăng hoa. Ảnh: Reuters

Chốt phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng mạnh 476,85 điểm (2,8%) lên mức 17.518,30 điểm.

Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite và chỉ số Hang Seng trên sàn Thượng Hải và Hong Kong lần lượt tăng 3,1% (81,94 điểm) và 2,54% (487,28 điểm), đóng cửa ở mức 2.737,60 điểm và 19.683,11 điểm.

Trước đó, ngày 29/1, BoJ thông báo quyết định thực hiện chính sách lãi suất âm -0,1% đối với tài khoản tiền gửi của các tổ chức tài chính nhằm hoàn thành mục tiêu lạm phát đề ra là 2% trong thời gian sớm nhất có thể đồng thời nêu rõ sẽ “tiếp tục hạ lãi suất nếu cần thiết” nhằm khuyến khích các tổ chức tài chính hay ngân hàng thương mại tăng cường cho vay và đầu tư.

Thông tin này đã khiến thị trường rất bất ngờ và ngay lập tức đẩy chỉ số chứng khoán Nikkei 225 tăng vọt hơn 3%. Bên cạnh đó, quyết định nới lỏng thêm chính sách tiền tệ nhằm phục hồi nền kinh tế của BoJ cũng sẽ giúp đồng yen giảm giá so với đồng USD trong vòng một vài tháng tới.

Đây là một yếu tố có lợi đối với các nhà xuất khẩu của “xứ hoa anh đào” và có thể khiến chứng khoán Tokyo khởi sắc.

Trong suốt tháng Một vừa qua, các sàn chứng khoán toàn cầu đã trải qua những phiên giao dịch được cho là tồi tệ nhất trong lịch sử, do chịu tác động “kép” từ đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu ớt và giá dầu liên tục lao dốc.

Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch cuối cùng của tháng, các thị trường dường như đã “lấy lại tinh thần” với những hy vọng hai trong số những ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới là BoJ và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ điều chỉnh các chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục