Chứng khoán Phố Wall ghi nhận thêm một tuần ảm đạm

13:01' - 14/05/2016
BNEWS Sắc đỏ lan rộng trên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch 13/5, với ba chỉ số chủ lực tiếp tục ghi nhận một tuần hạ điểm nữa.
Chứng khoán Mỹ vừa qua ghi nhận tuần giao dịch ảm đạm. Ảnh: THX/TTXVN

Giá cổ phiếu sụt giảm trong bối cảnh báo cáo doanh thu bán lẻ tích cực của Mỹ không đủ để làm dịu bớt những lo ngại của nhà đầu tư đối với lĩnh vực đang gặp khó khăn này.

Trong khi đó, giá dầu kỳ hạn đi xuống gây áp lực lên giá của nhóm cổ phiếu ngành năng lượng và làm giảm nhu cầu đầu tư vào các loại tài sản nhiều rủi ro.
Cụ thể, khép lại phiên 13/5, chỉ số S&P 500 giảm 17,62 điểm, hay 0,9%, xuống 2.046,49 điểm. Đây là mức đóng cửa phiên thấp nhất của chỉ số này kể từ ngày 11/4, chủ yếu do xu hướng giảm giá cổ phiếu của hàng loạt lĩnh vực như hàng tiêu dùng, tài chính, công nghiệp và năng lượng.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 185,18 điểm, tương đương 1,1%, và đóng cửa phiên ở mức 17.535,32 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 28/3. Cả hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều hạ điểm trong tuần thứ ba liên tiếp.
Chỉ số Nasdaq Composite hạ 19,66 điểm, hay 0,4% xuống 4.717,68 điểm. Tuần này đánh dấu tuần thứ tư liên tiếp chỉ số này hạ điểm và và Nasdaq Composite đã giảm 5,8% từ đầu năm đến nay.
Chỉ số chứng khoán tăng điểm tại thời điểm đầu phiên, khi thị trường đón nhận số liệu cho hay doanh thu của các nhà bán lẻ Mỹ trong tháng Tư đạt 453,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng Ba - mức tăng mạnh nhất trong năm nay.

Dẫn đầu xu hướng tích cực này là các đại lý ô tô, trạm xăng và nhà cung cấp trực tuyến. Tuy nhiên, diễn biến tích cực không kéo dài khi nhóm cổ phiếu lĩnh vực tiêu dùng, chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp bán lẻ, bắt đầu đảo chiều và kéo chỉ số S&P 500 đi xuống.
Giới chuyên gia nhận định số liệu trên không làm dịu bớt những lo ngại của nhà đầu tư về tương lai của các nhà bán lẻ truyền thống, nhất là khi họ đang “đuối sức” vì phải cạnh tranh với “người khổng lồ” thương mại điện tử Amazon.com Inc., và điều này thể hiện rõ trong các báo cáo doanh thu gần đây.
Theo các nhà phân tích của hãng tin Reuters, dường như đà tăng điểm của chỉ số S&P 500 kéo dài từ giữa tháng Hai đến cuối tháng Tư đã không đủ mạnh để giúp chỉ số này thiết lập kỷ lục mới, và phá mức cao nhất từ trước đến này ghi nhận được vào phiên ngày 21/5/2015.
Trong khi đó, một số nhà quan sát cho rằng doanh thu bán lẻ tích cực có thể củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng Sáu, do tâm lý tiêu dùng sẽ có tác động tích cực đối với tình hình lạm phát của nước này.
Mặt khác, giá dầu giảm cũng là một yếu tố gây áp lực lên kênh đầu tư đầy rủi ro này, đặc biệt là đối với giá cổ phiếu nhóm ngành năng lượng. Giá dầu WTI của Mỹ đã hạ 1,1% xuống 46,21 USD/thùng sau khi Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đưa ra nhận định rằng thị trường dầu mỏ sẽ chưa thể tái cân bằng cho đến nửa đầu năm 2017.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục