Chương trình "giải cứu các ngân hàng" của Italy gây nhiều tranh cãi

08:56' - 11/12/2015
BNEWS Kế hoạch cứu trợ các ngân hàng và quỹ tín dụng vỡ nợ mà Chính phủ Italy thực hiện đang gây ra rất nhiều tranh cãi, nhất là sau khi một người đầu tư vào một ngân hàng sụp đổ đã treo cổ tự tử.
Hôm 10/12, Thủ tướng Italy Matteo Renzi tuyên bố, chính phủ sẽ tìm kiếm những giải pháp nhằm "cứu" các cổ đông và người mua trái phiếu trong khuôn khổ quy định của Liên minh châu Âu (EU).

Báo chí Italy cho hay, chính phủ đang xem xét chi 50-80 triệu euro để lập một quỹ hỗ trợ cho những người đã mất hết số tiền đổ vào các ngân hàng này.

Chính phủ Italy cũng sẽ hy vọng có được sự chấp thuận của Quốc hội để thông qua một gói biện pháp nhằm "bật đèn xanh" cho các ngân hàng khác của Italy "bơm" khoảng 3,6 tỷ euro cho 4 ngân hàng này, trong khi số nợ xấu sẽ được chuyển thành một ngân hàng nợ xấu. Chính phủ cho rằng, đây là một hành động "nhân đạo". 

Tuy nhiên, EU đã chỉ trích Italy khi cho rằng Chính phủ phải chịu trách nhiệm về kế hoạch được mệnh danh là "giải cứu các ngân hàng". "Chính phủ Italy đã thực hiện quá trình này và họ phải chịu trách nhiệm về điều này", Jonathan Hill, Ủy viên châu Âu về ổn định tài chính và dịch vụ cho biết: "Cả bốn ngân hàng này đều bán cho người tiêu dùng các sản phẩm không thích hợp và gây ra những hậu quả xấu đối với nhiều người Italy".

Trước đó, Ủy ban châu Âu đã không đồng ý cho Ngân hàng nhà nước Italy kích hoạt một quỹ cứu trợ bảo hiểm tiền gửi nhằm cứu các ngân hàng này, đồng thời không tán thành phương án cứu trợ của Rome, được đưa ra hôm 22/11 vừa qua, với lý do vi phạm quy định về "can thiệp của nhà nước".

Các đảng phái đối lập của Italy cũng cho rằng, chính phủ của Thủ tướng Renzi không tuân thủ các quy định của EU về tài chính.

Theo họ, chính phủ đang tìm cách đẩy nhanh việc cứu trợ này một phần là để cứu Banca popolare dell'Etruria, ngân hàng mà cha đẻ của đương kim Bộ trưởng cải cách Marina Elena Boschi, cánh tay phải của ông Renzi, làm Phó Chủ tịch, trước khi các quy định mới về tài chính của EU có hiệu lực vào tháng 1/2016.

Theo quy định mới này, cứu trợ ngân hàng chỉ có hiệu lực với những người gửi tiền, các cổ đông và người mua trái phiếu thiệt hại từ 100.000 euro trở lên trong các trường hợp nợ xấu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục