Chuyển đổi kinh tế biển "nâu" sang "xanh" ở Việt Nam

06:02' - 15/08/2016
BNEWS Trên toàn thế giới, khoảng 3 tỷ người có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển và các nguồn lợi biển đóng góp cho các nền kinh tế trên 5% GDP toàn cầu.
Bãi biển Mỹ Khê - Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm-TTXVN

Rõ ràng, tương lai của loài người phụ thuộc rất nhiều vào biển nhất là khi số dân toàn cầu vượt mức 7 tỷ người, các nguồn lực trên đất liền dần cạn kiệt và bị ô nhiễm.
Đối với Việt Nam, biển là không gian sinh tồn và kinh tế biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Thời gian qua, kinh tế biển đã có những đóng góp quan trọng cho kinh tế quốc dân, nhưng quy mô phát triển đến nay chưa tương xứng với tiềm năng và ‘nguồn vốn tự nhiên biển’ đang bị bòn rút ở mức báo động.
Chính vì vậy, để phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả và bền vững đòi hỏi phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng đầu tư nhiều hơn cho phát triển kinh tế biển ‘xanh’.

Thực tế cho thấy đó là cách lựa chọn đúng đắn để Việt Nam có thể trở thành quốc gia ‘mạnh về biển và làm giàu từ biển’ như mục tiêu chung của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã đề ra, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia đến năm 2020 và Kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 về tăng trưởng xanh.
Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260 km với trên 3.000 đảo lớn nhỏ và hai quần đảo ngoài khơi Hoàng Sa và Trường Sa.

Biển là yếu tố ‘nổi trội’ trong phân hóa lãnh thổ Việt Nam và kinh tế biển đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia.

Tài nguyên biển nước ta đa dạng về kiểu loại, nhưng trữ lượng thường không lớn, chỉ đạt mức trung bình và chủ yếu là nhỏ.

Tiềm năng phát triển cảng và hàng hải lớn với khoảng 114 cửa sông đổ ra biển, có 48 vũng vịnh ven bờ với tổng diện tích hơn 4.000 km2 và 12 đầm phá phân bố từ Huế vào đến Ninh Thuận với tổng diện tích trên 400 km2.

Du lịch biển cũng có nhiều lợi thế về bãi biển (trên 100 bãi cát biển, 21 bãi đạt tiêu chuẩn quốc tế), có các cụm biển-đảo đẹp gắn với tiềm năng bảo tồn thiên nhiên và có khả năng phát triển ‘du lịch 3S’ (sun-sea-sand), nhưng để hiệu quả cần phải hướng tới du lịch 4S (thêm dịch vụ - service).
Triển khai thực hiện Nghị Quyết số 09-NQ/TW về Chiến lực biển Việt Nam đến năm 2020 (ban hành 2007) với mốc tính đến năm 2005, phát triển kinh tế biển và ven biển nói chung và khu vực ven biển nói riêng đã có bước chuyển biến rõ rệt.

Bên cạnh sự thay đổi về nhận thức đối với kinh tế biển, GDP kinh tế biển và ven biển ước chiếm 49,5% tổng GDP cả nước (tăng thêm 1,8% so với năm 2005), thuần biển đạt 13% (năm 2013).

Trong đó các tỉnh, thành phố ven biển có mức đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế trong giai đoạn gần đây với tốc độ tăng trưởng của phần lớn các địa phương cao hơn bình quân cả nước (5,64%).

Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp cho GDP cả nước của ngành dầu khí và ngành hàng hải có chiều hướng giảm, trong khi từ các hoạt động kinh tế ở dải ven biển lại có chiều hướng tăng dần.

Mức tăng trưởng cao, đôi khi ‘đột phá’ của một số tỉnh, thành phố liên quan chủ yếu đến phát triển các khu kinh tế ven biển.
Cơ cấu kinh tế biển cũng thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, xuất hiện các ngành nghề mới, du lịch biển có dấu hiệu phát triển, điều kiện hạ tầng ở một số đảo và quá trình đô thị hóa ở vùng ven biển diễn ra nhanh, mạnh, bước đầu hình thành ‘chuỗi đô thị’ ven biển tạo ra sự liên kết vùng và làm thay đổi cơ bản bộ mặt vùng ven biển so với trước đây.

Tiềm năng kinh tế biển và vùng ven biển, đảo được đánh thức, được chú trọng và thu hút được đầu tư nước ngoài. Ảnh: TTXVN

Cơ hội đối với phát triển kinh tế biển xanh (blue economy) xuất hiện và đang trở thành mối quan tâm quốc gia và được xem là động lực để phục hồi, thúc đẩy kinh tế biển phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế biển ở nước ta vừa qua cũng bộc lộ không ít yếu kém về mặt bảo vệ môi trường và bảo tồn nguồn vốn tự nhiên biển.

Ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý đổ bất hợp pháp ra biển, đầu độc môi trường biển về lâu dài và gây ra các tác động xã hội mạnh mẽ, ảnh hưởng đến an ninh môi trường biển quốc gia, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế đất nước và cuộc sống của người dân địa phương.

Vụ cá chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường từ khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh gần đây cảnh báo Việt Nam cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa môi trường và phát triển, không thể đánh đổi môi trường bằng mọi giá để phát triển công nghiệp ‘bẩn’.

Chấp nhận mô hình thể chế và tiêu chuẩn công nghệ đẳng cấp ‘thấp’ đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu chế xuất ở ven biển như vừa qua, không chỉ không thu hút được những nhà đầu tư nước ngoài có vốn lớn, có công nghệ ‘sạch’, mà còn không có hiệu quả cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Nguồn nhân lực thực hiện kinh tế biển ‘xanh’ và quản lý biển, đảo đang ở tình trạng ‘vừa thừa, vừa thiếu’, chưa được chú trọng đúng mức, cơ chế chính sách chưa tạo ra ‘lợi thế động’ cho kinh tế biển, chưa đúng tầm của chiến lược biển.

Điều này đang tác động xấu tới các mục tiêu phát triển bền vững biển, đảo mà Việt Nam cam kết thực hiện với quốc tế và khu vực biển Đông Á từ năm 2003.

Không giải quyết được vấn đề môi trường, tài nguyên và nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển, đảo (yếu tố đầu vào) thì tăng trưởng kinh tế biển sẽ bị chậm lại, kém hiệu quả và thiếu bền vững.

Đặc biệt, khi đó các sản phẩm ‘đầu ra’ của kinh tế biển sẽ không thỏa mãn được mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020: sản phẩm hàng hóa từ biển thiếu tính cạnh tranh, nhiều phế thải, nhiều chất thải, không tác động là bao đối với xã hội.  
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định mục tiêu tổng quát: ‘Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát huy mọi tiềm năng từ biển với tầm nhìn dài hạn, góp phần quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước’.

Để đạt được mục tiêu trên, cần phải thay đổi ‘gam mầu’ của nền kinh tế, từng bước chuyển từ kinh tế biển ‘nâu’ sang kinh tế biển ‘xanh’.   
Kinh tế biển xanh sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế biển ‘truyền thống’ cho phù hợp với bối cảnh quốc tế và khu vực.

Phát triển kinh tế biển bền vững là con đường tất yếu của Việt Nam để duy trì tăng trưởng ổn định, bảo đảm sự thịnh vượng cho đất nước và sinh kế lâu dài của người dân.

Đây cũng là bài học của các nước mà Việt Nam cần lựa chọn để phát huy lợi thế của ‘người đi sau’.

Phát triển kinh tế biển bền vững gắn với tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế biển xanh dựa trên nguyên tắc ‘phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo toàn được nguồn vốn tự nhiên và chức năng của các hệ sinh thái mà kinh tế biển nương tựa’.
Các ưu tiên hành động phải bắt đầu từ thay đổi khuôn khổ thể chế - chính sách phát triển kinh tế biển, hiểu đúng nội hàm của kinh tế biển, chú ý phát triển kinh tế đảo (xây dựng chuỗi đô thị ven biển-đảo và phát triển kinh tế biển dựa vào bảo tồn), bảo toàn các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái biển; tăng đẳng cấp công nghệ, kiên quyết từ chối các dự án đầu tư với công nghệ lạc hậu, không sạch; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển có trình độ và kỹ năng phù hợp với yêu cầu của hội nhập; tăng cường trách nhiệm và hiệu lực của công tác kiểm soát phát triển biển đảo (khai thác, sử dụng), trong đó có kiểm soát môi trường…

Giải quyết tốt các vấn đề nêu trên sẽ góp phần xây dựng một nền kinh tế biển ít lệ thuộc, có khả năng hội nhập, hiệu quả và bền vững./.

        

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục