EVNICT hoàn thành triển khai 5 giải pháp ứng dụng tiêu biểu về chuyển đổi số

15:42' - 27/12/2022
BNEWS Năm 2022, EVNICT tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị “đầu mối” trong việc xây dựng, triển khai và vận hành tin cậy ổn định hệ thống công nghệ thông tin, viễn thông dùng riêng.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT), ông Nguyễn Minh Khiêm, Giám đốc Công ty cho biết, năm 2022, Công ty tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị “đầu mối” trong việc xây dựng, triển khai và vận hành tin cậy ổn định hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông dùng riêng (VTDR), đảm bảo phục vụ tốt việc điều hành sản xuất kinh doanh điện năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Bên cạnh đó, EVNICT còn được Tập đoàn tin tưởng giao trọng trách là đơn vị “dẫn dắt” công cuộc chuyển đổi số của toàn EVN. Cụ thể, trong năm 2022, EVNICT đã hoàn thành triển khai 5 giải pháp ứng dụng tiêu biểu về chuyển đổi số, được Hội Truyền thông số Việt Nam vinh danh tại Lễ trao giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2022”.

Theo ông Nguyễn Minh Khiêm, 5 giải pháp ứng dụng tiêu biểu trong 4 lĩnh vực chuyển đổi số trọng tâm mà EVNICT đã triển khai gồm: Hệ thống phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (ĐTXD 2.0 – IMIS 2.0); Giải pháp cổng thông tin điện tử EVN và số hóa nghiệp vụ hành chính văn phòng (EVNPortal); Giải pháp Quản lý sửa chữa bảo dưỡng theo điều kiện vận hành (CBM); Ứng dụng phục vụ người lao động trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (SmartEVN) và Giải pháp tích hợp với Cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư thông qua cổng dịch vụ công quốc gia vào hệ thống thông tin quản lý khách hàng sử dụng điện (CMIS 3.0). Các giải pháp này giúp EVN cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong năm 2022 và tạo tiền đề để Tập đoàn trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.

 

Hiện EVNICT đáp ứng trên 99% bộ chỉ tiêu đánh giá các nhiệm vụ chuyển đổi số Tập đoàn giao năm 2022; Triển khai 52 nhiệm vụ chuyển đổi số; trong đó, hoàn thành 20 nhiệm vụ và đang triển khai 32 nhiệm vụ; đảm bảo tiến độ 49/52 nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Minh Khiêm còn cho biết, bên cạnh các giải thưởng liên tục qua các năm như Sao Khuê, Top 10 Doanh nghiệp CNTT, Chuyển đổi số Việt Nam, năm 2022, EVNICT đã đạt được giải thưởng Thành phố thông minh cho hệ thống phần mềm IMIS 2.0 và giải thưởng TOP doanh nghiệp công nghiệp 4.0 Việt Nam trong lần đầu tham dự. Phần mềm thu thập dữ liệu công tơ đo đếm – EVNHES cũng vinh dự được Tập đoàn công nhận sản phẩm”Make by EVN”.

Mặc dù vậy, tại hội nghị, lãnh đạo EVNICT cũng cho rằng do khó khăn trong việc xác định phạm vi quy mô đầu tư, công nghệ phức tạp, khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả đầu tư nên dẫn đến một số nhiệm vụ chưa đạt được tiến độ được giao. Trong đó, các nhiệm vụ như EVN Cloud; Trục tích hợp và Quản trị dữ liệu dùng chung; Kiến trúc dữ liệu và CSDL dùng chung mới dừng ở khâu chuẩn bị đầu tư.

Năm 2023, EVNICT tiếp tục tập trung xây dựng, triển khai các hệ thống phần mềm, hạ tầng viễn thông và CNTT theo lộ trình chuyển đổi số của Tập đoàn. Theo đó, hoàn thành nâng cấp hệ thống EVN Portal; Hoàn thành trang bị hệ thống sinh mã; Hoàn thành triển khai Phần mềm Quản lý cơ sở nhà đất dùng chung trong EVN; Thực hiện Nâng cấp hệ thống EVN – Elearning; Thực hiện nâng cấp hệ thống quản trị nguồn nhân lực HRMS và xây dựng phần mềm Quản trị rủi ro.

Bên cạnh đó, EVNICT tiếp tục hỗ trợ đơn vị vận hành và hoàn thiện hệ thống ứng dụng phục vụ người lao động (Smart EVN), hệ thống Văn phòng số (D.office); Tiếp tục triển khai nghiệp vụ thanh toán văn phòng phẩm và công tác phí tại Văn phòng Cơ quan EVN; Hiệu chỉnh hệ thống Hóa đơn điện tử (E-Invoice) theo Quyết định 1510/QĐ-TCT ngày 21/9/2022 của Tổng cục Thuế về việc sửa đổi Quyết định 1450/QĐ-TCT Quy định về thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ hóa đơn điện tử và phương thức truyền nhận với cơ quan thuế. Đồng thời hoàn thành xây dựng, triển khai phần mềm quản lý dòng tiền (Cash Flow) với các tính năng bổ sung như: Tổng hợp thông tin về kết quả xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng, tổ chức tín dụng; dự báo biến động dòng tiền. Cùng với đó, tối ưu hoá hệ thống ERP; hệ thống FSS nhằm kết nối đầy đủ cơ sở dữ liệu, thực  hiện các chức năng giám sát tài chính và cảnh báo theo yêu cầu.

Cùng với việc hoàn thành triển khai modul Quản lý thực hiện quy hoạch và kế hoạch trên phần mềm IMIS 2.0 về đầu tư xây dựng; Tiếp tục hỗ trợ đơn vị vận hành và hoàn thiện hệ thống Quản lý thông tin và phân tích hệ thống điện; hệ thống Quản trị kế hoạch triển khai và kết quả thực hiện chiến lược phát triển EVN, năm 2023, EVNICT còn hoàn thành nâng cấp hệ thống PMIS 2.0 đáp ứng khả năng phân tích dữ liệu thông minh; Di động hoá phần mềm để cung cấp mọi lúc, mọi nơi dữ liệu phục vụ vận hành hệ thống điện cho các cấp; Tiếp tục triển khai mở rộng phân hệ RCM cho các nhà máy Nhiệt điện theo yêu cầu của đơn vị.

Mặt khác, EVNICT còn tiếp tục nâng cấp hệ thống CMIS 4.0 với 2 nội dung còn lại là Nâng cấp phiên bản của các công nghệ áp dụng nhằm nâng cao độ ổn định, an ninh bảo mật, đảm bảo hiệu năng xử lý dữ liệu lớn của hệ thống, đáp ứng việc tính toán, lập hóa đơn số lượng lớn và đồng thời khi thực hiện dịch chuyển lịch ghi chỉ số công tơ của các khách hàng, đáp ứng yêu cầu việc lập và phát hành tối thiểu 15 triệu hóa đơn/ngày; Bổ sung phân hệ quản lý tiếp nhận lưới điện và các công trình điện ngoài EVN, quản lý tình hình bán điện khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

EVNICT cũng nâng cấp hệ thống phần mềm thu thập dữ liệu đo đếm từ xa (EVNHES 2.0) đáp ứng nhu cầu triển khai nhân rộng hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm cho toàn bộ các điểm đo của 5 Tổng công ty Điện lực; Bổ sung, nâng cấp các tính năng của phần mềm để đáp ứng khi thu thập số lượng điểm đo lớn và các công tác quản lý, khai thác dữ liệu cũng như các tính năng công cụ và tiện ích…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục