Chuyển đổi số là yếu tố "sống còn" của doanh nghiệp

08:50' - 11/10/2022
BNEWS Theo giới doanh nhân, công nghệ số và ứng dụng của công nghiệp 4.0 đã mở ra cho doanh nghiệp khả năng chống chịu tốt trong mọi "cuộc chiến".

Mới đây, sự kiện Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam được tổ chức bởi Hội đồng Họ Dương Việt Nam đã diễn ra thành công, thu hút hơn 700 chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý cấp cao tham dự.

Tại diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, việc các cường quốc bơm lượng tiền lớn vào nền kinh tế trong đại dịch đã tạo ra vô số thách thức nền kinh tế hậu COVID-19. Ông ví von doanh nghiệp sẽ phải đối diện với bối cảnh kinh tế như việc đón nhận với cơn bão - sự hỗn loạn của thiên nhiên.

“Trong bão, khó ai có thể lường trước điều gì. Doanh nghiệp vẫn cần mục tiêu, tầm nhìn dài hạn, nhưng lúc này cần hãy trả lời cho tôi biết thực tế và cụ thể: doanh thu nhận về và doanh số ký mới trong bốn tuần tới là bao nhiêu”, ông Bình chia sẻ.

Trước vô vàn thử thách, các doanh nhân kỳ cựu đồng thuận cho rằng doanh nghiệp cần nhất là tìm cho mình tinh thần kiên định. Chỉ có sự vững vàng về tinh thần mới giúp doanh nghiệp và đất nước vượt qua khó khăn. Bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của doanh nghiệp trước cú sốc và thách thức bất ổn là vấn đề mấu chốt trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank cho rằng, doanh nghiệp cần ứng dụng bài học về kiên định. Sáng tạo - kiên định với giá trị cốt lõi là tinh thần phục vụ khách hàng đã giúp Sacombank vượt qua giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ vào năm 2017.

Ông Minh chia sẻ rằng ở thời điểm đó, doanh nghiệp không vội thay đổi ngay các vị trí lãnh đạo, cán bộ nhân viên ngân hàng yên tâm sẽ không ai mất việc mà thay vào đó chỉ đảo vị trí để thích ứng với bối cảnh mới. Làm được việc đó cần lòng kiên định của người đứng đầu.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT thì cho rằng, quản trị trong bất ổn là một chủ đề khó. Ông chọn cách chia sẻ về ba giai đoạn FPT đã vươn mình trước các thách thức để phát triển mạnh mẽ: Giai đoạn 1998 - xuất khẩu phần mềm; giai đoạn 2008 - khủng hoảng kinh tế; giai đoạn 2020-2021 - đối với với đại dịch COVID-19. Ở cả ba lần, ông Bình đều ứng dụng nghệ thuật chiến tranh nhân dân - chuyển doanh nghiệp từ thời bình sang thời chiến; các nhà quản trị trở thành nhà chỉ huy; trên dưới đồng lòng một mục tiêu.

Chuyển đối số - kiến tạo những trải nghiệm số cho khách hàng cũng là lời khuyên được các nhà lãnh đạo kỳ cựu nhấn mạnh và cụ thể hóa trong phần cuối của sự kiện. Bởi theo các doanh nhân, công nghệ số và ứng dụng của công nghiệp 4.0 đã mở ra cho doanh nghiệp khả năng chống chịu tốt trong mọi "cuộc chiến".

“COVID-19 khiến nhiều công ty lao đao, nhưng sau đại dịch, doanh nghiệp như PNJ hay FPT lại mạnh mẽ hơn. Năm 2021, chúng tôi có tốc độ tăng trưởng mà HĐQT cũng bất ngờ. Đó là nhờ chúng tôi chuyển biến kịp thời, nhanh chóng, thay đổi kịp thời với công nghệ. Cuối đường hầm là ánh sáng tỏa ra từ một mục tiêu chung”, bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết.

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch TMG cũng cho rằng, trong đại dịch nhờ cải thiện trải nghiệm số trong hành trình tìm cảm hứng, lập kế hoạch, trải nghiệm và chia sẻ của khách hàng. “Nhờ phục vụ khách hàng hiệu quả hơn trên các nền tảng số, tổng thu TMG đã nhanh chóng khôi phục và vượt qua năm 2019”, ông Minh nhấn mạnh.

Trong vai trò người đứng đầu FPT - doanh nghiệp dẫn dắt xu hướng chuyển đối số tại Việt Nam, ông Trương Gia Bình cho rằng, doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, mọi quy mô đều có thể bước lên con thuyền chuyển đổi số để tăng khả năng chống chịu. Doanh nghiệp chỉ cần đặt ra câu hỏi của mình ba yếu tố cơ bản:

Một là, mình có đủ dữ liệu để hiểu về sản phẩm, khách hàng của mình chưa. Hai là, mình đã vận dụng dữ liệu đó để cải thiện năng suất, mang đến dịch vụ tốt hơn cho khách hàng chưa. Và ba là công nghệ có giúp doanh nghiệp tự động hóa được bao nhiêu phần trăm.

“Uber, Airbnb là những doanh nghiệp lớn mạnh hàng đầu toàn cầu và gần như họ tự động hóa hoàn toàn, không sở hữu tài sản gì”, ông Bình chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục