Chuyển đổi số tại khu vực Trung Trung Bộ * Bài 3: Đi tắt đón đầu

13:32' - 08/05/2021
BNEWS Chính quyền Quảng Trị và Quảng Nam đang nỗ lực không ngừng khắc phục khó khăn, thách thức, tận dụng công nghệ số để đi tắt, đón đầu, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Xác định chuyển đổi số sẽ là động lực quan trọng thực hiện cải cách hành chính, góp phần thực hiện ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế, xã hội bền vững, tuy nhiên, hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Nam đã xuất phát sau thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế trong cuộc đua chuyển đổi số.

Vì vậy, chính quyền Quảng Trị và Quảng Nam đang nỗ lực không ngừng khắc phục khó khăn, thách thức, tận dụng công nghệ số để đi tắt, đón đầu, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững…

* Nâng cao nhận thức

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thị Huyền chia sẻ, là địa phương còn nhiều khó khăn, Quảng Trị bắt đầu chuyển đổi số muộn hơn các tỉnh, thành phố khác.

Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều nội dung trong kế hoạch, đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt chưa có kinh phí triển khai.

Để triển khai có hiệu quả phải cần chi phí rất lớn. Đặc biệt, một số lãnh đạo đầu ngành chưa nhận thức hết tầm quan trọng của công nghệ số, chưa triệt để ứng dụng công nghệ số tại đơn vị của mình phụ trách.

Trước thực trạng trên, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh có giải pháp chỉ đạo quyết liệt hơn và biện pháp xử lý đối với lãnh đạo các đơn vị không quyết tâm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị mình quản lý.

Đồng thời, Sở tăng cường thực hiện công tác truyền thông về vai trò, hiệu quả của công tác chuyển đổi số tới các doanh nghiệp và người dân nắm rõ…

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị, một số đơn vị áp dụng chuyển đổi số tốt trên địa bàn như: giáo dục, y tế, thông tin truyền thông…

Hiện nay, Cổng dịch vụ công của tỉnh đã tích hợp 1.992 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 1.220 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, trong năm 2020, dịch vụ công trực tuyến Quảng Trị chỉ mới đạt trên 5%, đến đầu tháng 4/2021 đã đạt trên 50%. Đây là một sự tiến bộ vượt bậc của Quảng Trị.

Hiểu rõ tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số, vào tháng 1/2021, Quảng Trị tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) Quảng Trị, hiện đã tích hợp các hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu như: Hệ thống báo cáo của tỉnh; Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh; Hệ thống phản ánh hiện trường; Hệ thống quản lý thông tin báo chí; Giáo dục thông minh; Y tế thông minh; Hệ thống camera giám sát an ninh trật tự; Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng... Các cơ sở dữ liệu của từng hồ sơ hiện nay đã được tích hợp trên Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh.

Các doanh nghiệp và người dân thông qua hệ thống có thể rà soát, tra cứu để thấy được quá trình xử lý hồ sơ, dữ liệu của mình.

Nếu có vướng mắc trong quá trình xử lý, người dân và doanh nghiệp có thể phản ánh kịp thời và nhanh chóng đến chính quyền.

Qua đó, giúp lãnh đạo tỉnh có bức tranh tổng thể và số liệu cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, địa phương để chỉ đạo và ra quyết định một cách chính xác, kịp thời và hiệu quả.

* Khắc phục tồn tại

Tại Quảng Nam, tỉnh luôn xác định cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 là cơ hội, động lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính quyền điện tử, đảm bảo các mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Mạng lưới viễn thông, Internet trên địa bàn tỉnh đến nay, đã phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và đường truyền cáp quang đạt 96% số xã. Về hạ tầng công nghệ thông tin, hầu hết các đơn vị đều có hệ thống mạng nội bộ (mạng LAN), kết nối Internet băng thông rộng.

Đến nay, tỉnh đã triển khai ứng dụng hệ thống một cửa điện tử tại tất cả các sở, ban, ngành, UBND các cấp huyện, thị xã, thành phố; đã có hơn 100 UBND cấp xã chính thức triển khai phần mềm một cửa điện tử…

Du lịch là một trong những lĩnh vực nổi bật của Quảng Nam, nhưng theo ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch là cả một quá trình, cần thời gian lâu dài mới tạo được kết quả.

Ngành Du lịch khó hơn so với các ngành khác vì các thành phần tham gia vào quá trình chuyển đổi số gồm rất nhiều thành phần trong xã hội: từ đơn vị quản lý, những nhà kinh doanh, người dân và cả khách du lịch trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý trong thanh toán quốc tế, tiền ảo, bảo mật thông tin… cũng là những vấn đề được quan tâm trong quá trình chuyển đổi số.

Vì vậy, lộ trình chuyển đổi số ngành Du lịch Quảng Nam cần qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn tổng hợp và số hóa dữ liệu.

Sau khi có dữ liệu, mới đến giai đoạn vận dụng những dữ liệu này để thay đổi cách quản lý, lãnh đạo, quy trình làm việc, từ đó tạo ra những giá trị mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, trong những năm qua, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của Quảng Nam còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống mạng WAN, hội nghị truyền hình, Trung tâm tích hợp dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung cho người dân và doanh nghiệp, hệ thống ứng dụng chuyên ngành chưa kết nối để trao đổi dữ liệu và liên thông nghiệp vụ.

Chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Công tác đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng, bảo đảm an toàn, an ninh mạng còn khó khăn, thách thức. Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh hiện còn thấp...

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến nay, Quảng Nam đã triển khai đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các ứng dụng dùng chung tạo nền tảng để hình thành Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.

Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 đạt 41%; đã kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến chính phủ, cho phép người dân, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch trực tuyến mức độ 4 thuận tiện. Tỉnh đã triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 3 cấp tỉnh - huyện - xã các hệ thống dùng chung như quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp.

Trong năm 2020, Quảng Nam đã chính thức triển khai các hệ thống quan trọng của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh (LRIS), góp phần hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử của tỉnh.

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam mới thông qua đề án “Phát triển ứng dựng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền số tỉnh giai đoạn 2021-2025”, với kinh phí 901 tỷ đồng.

Trong đó, 350 tỷ đồng từ ngân sách tập trung và chi phí sự nghiệp, 320 tỷ đồng ngân sách Trung ương, còn lại là huy động từ nguồn xã hội hóa.

Có thể thấy, công tác chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn Quảng Nam đã được triển khai tích cực, đúng định hướng và đạt được một số kết quả thiết thực, góp phần thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục