Đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho các doanh nghiệp

17:56' - 21/01/2021
BNEWS Đã có hơn 3.000 doanh nghiệp tiếp cận chương trình; trong đó, khoảng hơn 500 doanh nghiệp từ quy mô nhỏ, siêu nhỏ đến quy mô vừa và lớn có nhu cầu thực tế về chuyển đổi số.

Chiều ngày 21/1, thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cơ hội, thách thức và giải pháp” tại Tp. Hồ Chí Minh.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ “Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025”.

Tại hội thảo, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với thách thức hội nhập, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đòi hỏi phải số hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng. Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả doanh nghiệp trên thế giới; trong đó có Việt Nam.

Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng USAID công bố vào ngày 3/12/2020 nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Chương trình hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thông qua chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh; chuyển đổi số toàn diện... để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp - ông Nguyễn Duy Đông chia sẻ.

Sau khi công bố, đã có hơn 3.000 doanh nghiệp tiếp cận chương trình; trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng Dự án USAID LinkSME sàng lọc và có khoảng hơn 500 doanh nghiệp từ quy mô nhỏ, siêu nhỏ đến quy mô vừa và lớn có nhu cầu thực tế về chuyển đổi số. Chương trình đang đánh giá mức độ sẵn sàng cho các doanh nghiệp này và triển khai hoạt động tư vấn chuyên sâu để chuyển đổi số theo nhu cầu của từng doanh nghiệp.

Trong hơn một tháng qua, chương trình thu hút hơn 60 doanh nghiệp công nghệ, chuyên gia về chuyển đổi số đăng ký đồng hành; trong đó có nhiều doanh nghiệp phát triển nền tảng “Make in Vietnam”.

Chương trình đang triển khai đánh giá, trao đổi với doanh nghiệp công nghệ và chuyên gia, kết nối doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số với nhà cung cấp giải pháp, chuyên gia uy tín và phù hợp.

Ông Gregory Leon - Giám đốc Phát triển kinh tế và quản trị Nhà nước, USAID/Việt Nam cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động xây dựng một số bài giảng trực tuyến, chia sẻ kiến thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, thu hút được hàng nghìn lượt theo dõi.

Những năm tới, Dự án USAID LinkSME sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện mục tiêu của Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, hỗ trợ 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; đồng thời, thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.

Về lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Việt Long - Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do USAID tài trợ cho hay, ở giai đoạn 1, dự án đã triển khai sổ tay chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dự án đưa ra công cụ đánh giá phân tích và đề xuất chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Do lực đẩy về công nghệ số và sức kéo của thị trường người tiêu dùng số, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ chuyển dịch, mang lại cơ hội nâng cao năng lực, tạo động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, để tiếp cận chuyển đổi số, ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp là xây dựng chiến lược chuyển đổi số gắn liền với chiến lược kinh doanh, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và khả năng chuyển đổi của doanh nghiệp" - ông Nguyễn Việt Long nhận xét.

Ghi nhận trên môi trường kinh tế số tại Việt Nam hiện có tỷ lệ thuê bao băng rộng (cả cố định và di động) tương đối tốt so với một số quốc gia trong khu vực, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia...

Tỷ lệ doanh nghiệp trực tuyến sử dụng thanh toán kỹ thuật số cũng ngang bằng với một số nước trong khu vực. Trên cơ sở này, giải pháp số hóa hoạt động kinh doanh, quy trình quản trị, sản xuất, công nghệ... sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng tính cạnh tranh, phục hồi sau dịch bệnh COVID-19 và nắm bắt cơ hội thị trường mới để phát triển bền vững.

Mặc dù vậy, trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, một số chuyên gia chỉ rõ, doanh nghiệp cần tập trung vào nâng cao trải nghiệm khách hàng. Cụ thể, chú trọng hệ thống kênh phân phối, tiếp thị, chăm sóc khách hàng, chủ động về chuỗi cung ứng... nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mô hình quản trị của doanh nghiệp phải linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thị trường và có tính liên kết với mô hình kinh doanh mới tạo nên sự xuyên suốt trong vận hành toàn diện doanh nghiệp./.

>>Giải thưởng Sao Khuê 2021 bổ sung nhóm giải cho các nền tảng chuyển đổi số

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục