Chuyển đổi số từng bước thâm nhập vào mọi hoạt động xã hội

06:10' - 05/02/2022
BNEWS Đến cuối năm 2021, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình chuyển đổi số ở nước ta tại nhiều địa phương, ngành và lĩnh vực đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, là một động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế. 

Chuyển đổi số năm 2021 bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, rõ ràng nhất là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân đã được nâng cao. Công nghệ số đã từng bước thâm nhập vào hoạt động của Chính phủ, các ngành kinh tế và xã hội.

Tại thành phố Đà Nẵng, người dân có thể làm thủ tục đăng ký sử dụng điện và thanh toán tiền điện chỉ bằng điện thoại thông minh. Ở Lạng Sơn, các trưởng bản trở thành tổ trưởng tổ công nghệ cộng đồng, hướng dẫn người dân phát triển cửa hàng số, giúp tăng doanh số bán nông sản online thêm 174 lần so với trước khi đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Tại Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh có thể truy cập vào hệ thống khi ngồi tại văn phòng, nhưng vẫn biết được quy trình, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp từ cấp xã trở lên.

 

Hành trình chuyển đổi số quốc gia để xây dựng kinh tế số, xã hội số mới đang ở giai đoạn khởi động cho một chặng đường dài với nhiều thách thức.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), mỗi người dân và doanh nghiệp đang từng ngày cảm nhận được sự thay đổi sâu sắc của chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, đặc biệt khi tham gia các dịch vụ hành chính công, hay tham gia tư vấn chữa bệnh trực tuyến.

Hiện nay, trong lĩnh vực cải cách hành chính công, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã vận hành được hơn một năm, tích hợp gần 3.000 dịch vụ công trực tuyến, góp phần tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng và hàng chục triệu giờ công lao động.

Trong lĩnh vực y tế, mạng lưới Telehealth với 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa mới được kết nối đã thu hẹp khoảng cách y tế giữa các cấp và các vùng miền; giảm tỉ lệ chuyển tuyến từ 30% xuống còn dưới 10%, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, giảm tải cho hệ thống y tế.

Nhiều bệnh viện ứng dụng bệnh án điện tử, y tế từ xa, thẻ điện tử, thanh toán viện phí... giúp quá trình quản lý bệnh viện được minh bạch, giảm thủ tục hành chính, thời gian khám, chữa bệnh, đem lại hiệu quả cao hơn, người bệnh cũng hài lòng hơn…

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) Nguyễn Trường Nam chia sẻ: Bộ Y tế nhìn nhận, trong quá trình chuyển đổi số, vấn đề nhận thức và nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự trong ngành là thách thức lớn.

Phân tích kết quả Bảng Đánh giá và xếp hạng chỉ số chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện cho thấy quá trình chuyển đổi số đang diễn ra không đồng đều trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Bộ Tài chính có chỉ số chuyển đổi số đạt mức 0,49 điểm cao gấp hơn 2 lần so với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đơn vị xếp cuối bảng xếp hạng chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ). Tỉnh Ninh Thuận có chỉ số chuyển đổi số đạt 0,21 điểm thấp hơn đơn vị đứng đầu là Thành phố Đà Nẵng tới 2,2 lần. Chuyển đổi số quốc gia đang đặt ra nhiều thách thức cần vượt qua đối với các địa phương, các đơn vị.

Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số phải được thực hiện toàn diện trong toàn xã hội. Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, mua sắm thiết bị mà còn là thể chế, chính sách, nhận thức và năng lực của tổ chức.

Trong thành công của chuyển đổi số thì công nghệ chỉ đóng góp 20%, còn 80% là phụ thuộc vào nhận thức, năng lực tổ chức triển khai. Thực tế cho thấy, những nơi tập trung vào công nghệ 80 % thường sẽ thất bại khi tiến hành chuyển đổi số bởi chuyển đổi số quan trọng nhất là sự tham gia tất cả mọi người, bộ phận trong tổ chức, mọi thành phần trong xã hội.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế với những mục tiêu cụ thể.

Đó là phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; Việt Nam đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới; xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, từng cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, người dân trong xã hội phải nỗ lực vượt qua mọi thách thức, tăng tốc lộ trình và nâng cao công cuộc chuyển đổi số quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục