Chuyên gia Anh cảnh báo nguy cơ tin tặc tấn công dữ liệu DNA

09:37' - 17/04/2025
BNEWS Những mối đe dọa này vượt xa phạm vi rò rỉ dữ liệu thông thường, gây rủi ro cho quyền riêng tư cá nhân, tính toàn vẹn khoa học và an ninh quốc gia.

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí IEEE Access, công nghệ giải trình tự DNA thế hệ mới (NGS) - công cụ then chốt trong phát triển thuốc điều trị cá nhân hóa, chẩn đoán ung thư và theo dõi bệnh truyền nhiễm - đang đứng trước nguy cơ bị tin tặc khai thác.

 

Nghiên cứu do Tiến sĩ Nasreen Anjum thuộc Khoa Khoa học Máy tính, Đại học Portsmouth (Anh) dẫn đầu là công trình đầu tiên đánh giá toàn diện các mối đe dọa an ninh mạng-sinh học trong toàn bộ quy trình NGS.

Quy trình này bao gồm nhiều bước phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau, từ chuẩn bị mẫu, giải trình tự đến phân tích và diễn giải dữ liệu, mỗi bước đều sử dụng các thiết bị, công nghệ và phần mềm chuyên dụng được kết nối với nhau.

Mặc dù các bước này rất cần thiết để tạo ra kết quả chính xác, chúng cũng tạo ra nhiều điểm yếu có thể bị khai thác. Nhiều bộ dữ liệu DNA được công khai trực tuyến, điều này có thể tạo cơ hội cho tội phạm mạng lạm dụng thông tin vào mục đích theo dõi, thao túng hoặc thực hiện các thí nghiệm độc hại.

Nhóm nghiên cứu đã xác định các phương thức mới mà tin tặc có thể sử dụng để tấn công hệ thống, như phần mềm độc hại được mã hóa trong DNA tổng hợp, thao túng dữ liệu genome bằng trí tuệ nhân tạo, và kỹ thuật tái nhận dạng danh tính.

Những mối đe dọa này vượt xa phạm vi rò rỉ dữ liệu thông thường, gây rủi ro cho quyền riêng tư cá nhân, tính toàn vẹn khoa học và an ninh quốc gia.

Tiến sĩ Mahreen-Ul-Hassan, nhà vi sinh vật học và đồng tác giả từ Đại học Nữ sinh Shaheed Benazir Bhutto nhấn mạnh: "Dữ liệu genome là một trong những dạng dữ liệu cá nhân nhạy cảm nhất. Nếu bị xâm phạm, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với một vụ rò rỉ dữ liệu thông thường."

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thực tiễn như xây dựng quy trình giải trình tự an toàn, lưu trữ mã hóa và phát hiện bất thường bằng trí tuệ nhân tạo. Các tác giả kêu gọi sự hợp tác liên ngành giữa các chuyên gia máy tính, sinh tin học, công nghệ sinh học và an ninh mạng - những lĩnh vực hiếm khi làm việc cùng nhau nhưng cần phải phối hợp chặt chẽ để bảo vệ dữ liệu DNA trong tương lai.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ Thách thức Anh-Saudi của Hội đồng Anh và Tài trợ Nghiên cứu Chất lượng từ Đại học Portsmouth.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục