Chuyên gia cảnh báo về mô hình suy thoái xuất hiện trong nền kinh tế Mỹ

05:30' - 15/10/2020
BNEWS Mặc dù kinh tế toàn cầu đã bước vào giai đoạn khởi đầu của quá trình phục hồi sau đại dịch, nhưng hiệu ứng phục hồi nhanh chóng đã che đậy một điều đáng lo ngại.

Bức tranh kinh tế thế giới năm 2020 chứa đựng nhiều gam màu xám. Thế giới đóng cửa vì đại dịch COVID-19, gây ra sự sụp đổ kinh tế chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại. Tuy nhiên, sự phục hồi mạnh mẽ đã bắt đầu xuất hiện từ tháng Năm, khi các doanh nghiệp toàn cầu mở cửa kinh doanh trở lại.

Trong bài viết có tiêu đề "Tình trạng đình trệ do đại dịch đã qua, nhưng hậu quả suy thoái kinh tế Mỹ giờ mới bắt đầu", đăng tải trên tờ New York Times và được tuần báo Sydney Morning Herald của Australia dẫn lại, tác giả Neil Irwin cho rằng, mặc dù kinh tế toàn cầu đã bước vào giai đoạn khởi đầu của quá trình phục hồi sau đại dịch, nhưng hiệu ứng phục hồi nhanh chóng đã che đậy một điều đáng lo ngại. 

Cụ thể, giai đoạn "giảm phát" sẽ kéo dài hơn, khả năng phục hồi chậm chạp hơn, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể gặp rủi ro trong một tương lai vô định.

Lấy dẫn chứng về số liệu việc làm của Chính phủ Mỹ vừa được công bố gần đây, tác giả cho rằng cuộc khủng hoảng việc làm đã thâm nhập sâu vào nền kinh tế nước này. Các lĩnh vực kinh tế, về mặt lý thuyết không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch, đang cho thấy một mô hình suy thoái nghiêm trọng giống nhau.

Các tin tức trong những tháng qua đã phản ánh một loạt vụ sa thải hay thu hẹp quy mô thường thấy trong những cuộc suy thoái. Chỉ vài tuần gần đây, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Shell đã thông báo cắt giảm 9.000 vị trí, trong khi người khổng lồ giải trí Disney loại bỏ 28.000 việc làm và công ty quốc phòng Raytheon sa thải tới 15.000 nhân viên.

Sau khi phần lớn việc làm bị "đóng băng" vào hồi đầu năm do đại dịch, các lĩnh vực này đã dần đưa người lao động trở lại vị trí cũ trong suốt mùa Hè này, nhưng không phải là tất cả. Một số lĩnh vực vẫn tiếp tục cắt giảm nhân viên. 

Việc làm tại trụ sở chính của các tập đoàn, công ty lớn - bộ phận đầu não quản lý công ty và doanh nghiệp - đã giảm tới 92.000 việc làm trong tháng Ba và tháng Tư, nay có thêm khoảng 4.000 việc làm khác bị mất kể từ thời điểm đó.

Mức giảm 3,9% trong các công việc thuộc nhóm vị trí đứng đầu, thường là các vị trí quản lý có chuyên môn cao, tồi tệ hơn đáng kể so với mức giảm 2,4% trong cuộc suy thoái năm 2008.

Một mô hình tương tự cũng được quan sát trong hàng chục ngành công nghiệp sử dụng hàng chục triệu lao động khác. Những lĩnh vực này vốn không phải chịu tác động gây "đóng băng" hoặc sụp đổ kéo dài do đại dịch, nhưng vẫn cắt giảm việc làm trong nửa cuối năm nay ở một tỷ lệ tương tự như tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng trước đây. 

Danh sách các công ty, lĩnh vực cắt giảm việc làm rất đa dạng, từ bất động sản, đại lý bán ô tô, quảng cáo và ngành xây dựng công nghiệp. Thậm chí, động thái như vậy còn xuất hiện ở cả ngành vận tải chuyên chở hàng hóa, một lĩnh vực có chức năng như hệ thống tuần hoàn của nền kinh tế, với vai trò kết nối các loại hình thương mại.

Nhìn chung, ngay cả khi loại trừ các lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch - vận tải hàng không, nghệ thuật và giải trí, khách sạn, nhà hàng và giáo dục ở cả khu vực công và tư nhân -  thì số lượng việc làm của Mỹ trong tháng Chín vẫn thấp hơn 4,6% so với tháng Ba. 

Con số này không xa so với mức 5,3% trong tổng số việc làm bị mất diễn ra trong suốt 18 tháng của thời kỳ Đại Suy thoái và tồi tệ hơn khoảng ba lần so với tình trạng mất việc làm của cuộc suy thoái năm 2001.

Các giám đốc điều hành và các nhà phân tích đã viện dẫn hai hiện tượng liên quan. Thứ nhất, đó là tác động cơ học của việc đóng cửa hoạt động trong một khu vực rộng lớn của nền kinh tế. Giống như trường hợp thường diễn ra trong các cuộc suy thoái, đại dịch đã thúc đẩy nhiều công ty đẩy mạnh sự thay đổi cơ cấu, vốn đã được tiến hành từ trước. 

Điều đó ngụ ý rằng ngay cả khi các hạn chế về sức khỏe cộng đồng được nới lỏng và vắc-xin sẽ xuất hiện sớm trong những ngày tới đây, thì nền kinh tế Mỹ nói chung vẫn chưa sẵn sàng để phục hồi nhanh chóng về mức trước đại dịch. 

Thay vào đó, những tổn thất đang diễn ra trên diện rộng hơn so với những nhận định đơn giản về câu chuyện "ngừng hoạt động và mở cửa trở lại".

Khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, nhiều việc làm sẽ không còn tồn tại. Người lao động sẽ phải tìm kiếm những loại công việc khác và họ cần thời gian để điều chỉnh, thích nghi.

Nhà kinh tế học thuộc Trung tâm nghiên cứu của hãng Moody’s, Sophia Koropeckyj, nói: "Chúng tôi kỳ vọng sẽ có một trạng thái ổn định mới, nhưng không thể xuất hiện trước năm 2023 hay 2024". Trong một báo cáo vừa công bố, bà Koropeckyj ước tính có khoảng 5 triệu người Mỹ sẽ gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới sau đại dịch, vì công việc cũ đã biến mất hoặc bị thay đổi đáng kể. 

Bà viết: "Tôi không nghĩ rằng mức độ nghiêm trọng của cuộc suy thoái đã được hiểu rõ hoàn toàn. Chúng đang bị che lấp bởi sự phục hồi nhanh chóng diễn ra trong mùa Hè năm nay".

Trong mỗi đợt suy thoái, một số ngành sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn một số lĩnh vực khác. Đại Suy thoái bắt đầu với sự sụp đổ của bong bóng nhà đất và cuộc suy thoái năm 2001 đến từ sự "lụi tàn" của các công ty dot-com.

Các cuộc suy thoái thường bắt đầu bởi "nỗi đau" kinh tế, bất kể nguồn gốc của chúng là gì, với sự lan truyền rộng rãi ảnh hưởng đến gần như mọi ngành công nghiệp và khiến hàng triệu người lao động không có khả năng chuyển sang các lĩnh vực mới hơn và phát triển nhanh hơn. Hệ quả là họ rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Tác giả cho rằng thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế là không ngăn cản các điều chỉnh cơ cấu này. Cần phải đảm bảo rằng, khi các mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng giảm đi, sẽ có một nhu cầu đủ mạnh về hàng hóa và dịch vụ trên toàn nền kinh tế, thậm chí ngay cả khi một số việc làm biến mất vĩnh viễn, nhưng những công việc mới đang được tạo ra và "nỗi đau" chỉ tồn tại trong một quãng thời gian ngắn. 

Hai cuộc suy thoái nghiêm trọng gần đây nhất đều ghi nhận "sự phục hồi thất nghiệp", một quá trình diễn ra trong rất nhiều năm.

Kết thúc bài viết, tác giả nhận định nguyên nhân của cuộc suy thoái năm 2020 có thể khác với nguồn gốc của hai cuộc suy thoái trước đó, nhưng cho đến nay, cách mà suy thoái lan truyền từ công ty này sang công ty khác và từ ngành này sang ngành khác, đều có hình thái "đáng sợ" tương tự./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục