Chuyên gia: EPR là giải pháp mang lại giá trị lâu dài chứ không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp

15:23' - 04/04/2024
BNEWS Trong bối cảnh nhiều khó khăn, đối với một số doanh nghiệp việc thực thi EPR, dù đó là trách nhiệm về môi trường và xã hội, vẫn là gánh nặng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nhìn nhận EPR tích cực hơn.

Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng công cụ thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay, việc lĩnh thêm một trách nhiệm, dù đó là trách nhiệm về môi trường và xã hội, thì đối với một số doanh nghiệp có thể coi là gánh nặng. 

Tuy nhiên, ông Hoàng Thành Vĩnh, Cán bộ chương trình phụ trách Chất thải và Kinh tế tuần hoàn, UNDP Việt Nam cho rằng doanh nghiệp cần nhìn nhận việc thực thi EPR một cách tích cực hơn.

Dưới đây là cuộc trao đổi giữa vị chuyên gia của UNDP Việt Nam và phóng viên TTXVN xoay quay vấn đề trên.

Phóng viên: Thưa ông, từ ngày 1/1/2024, nhà sản xuất, nhập khẩu pin, ắc quy, dầu nhớt, săm lốp, và bao bì (thương phẩm) phải thực hiện trách nhiệm EPR tái chế theo tỉ lệ và quy cách bắt buộc theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Ông đánh giá như thế nào về việc thực thi quy định EPR này tại Việt Nam hiện nay?

Ông Hoàng Thành Vĩnh: Việt Nam rất tích cực để đưa EPR vào cuộc sống. Việt Nam đã bắt đầu khởi động quy trình này vào năm 2022 và đến năm 2024 là bước quan trọng đối với thu gom và tái chế của doanh nghiệp. Đây là con đường đi đúng đắn và mang lại nhiều ý nghĩa cho môi trường và xã hội.

Tuy nhiên, với thực tiễn Việt Nam và các nước trong khu vực, một số khó khăn, thách thức còn tồn tại như thiếu cơ sở hạ tầng thu gom tốt, trong khi nhu cầu với các dòng tái chế như nhựa tái chế chưa cao. Bên cạnh đó, nhận thức về chất thải và quản lý chất thải còn hạn chế.

Đây là thách thức đặc thù không chỉ của Việt Nam mà còn của các nước trong khu vực, nguyên lý cơ bản để thực thi tốt EPR đó là cân bằng góc độ kinh tế trong hoạt động tái chế, nhằm giúp tạo động lực cho doanh nghiệp đi theo con đường tái chế và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này.

 

Phóng viên: Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đâu là những khó khăn trong thực thi quy định này, thưa ông?

Ông Hoàng Thành Vĩnh: Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Nên khi phải lĩnh thêm một trách nhiệm nữa, dù đó là trách nhiệm về môi trường và xã hội, thì đối với một số doanh nghiệp vẫn là gánh nặng. Điều quan trọng là doanh nghiệp sẽ ứng xử như thế nào đối với trách nhiệm này.

Hơn nữa, quy định của Việt Nam đang đưa ra 2 nhóm giải pháp để doanh nghiệp thực hiện EPR: một là tự thu gom tái chế, hai là nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ở góc độ kỹ thuật, việc phân vân lựa chọn giải pháp nào cho thực hiện EPR cũng là khó khăn đối với doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp hãy nhìn nhận một cách tích cực rằng EPR không phải là gánh nặng mà là một giải pháp nếu được áp dụng một cách thuần thục sẽ mang lại những giá trị lâu dài. Ví dụ để tăng cường tái chế, doanh nghiệp phải đổi mới trong thiết kế. Khi thiết kế một chai mới đẹp hơn, hiệu quả hơn thì quá trình thu gom tái chế cũng sẽ thuận lợi hơn. Đây là điều chúng tôi mong muốn doanh nghiệp và EPR mang lại. Đó không chỉ là giá trị về môi trường mà còn phải tối ưu về kinh tế, thúc đẩy chuỗi sản xuất vận hành trơn tru, hiệu quả.

Phóng viên: Theo ông, việc thực thi quy định này sẽ mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế cũng như lợi ích cho chính các doanh nghiệp?

Ông Hoàng Thành Vĩnh: Có 3 khía cạnh cần phải nhắc đến ở đây. Trong đó, về mặt kinh tế, cần nhìn nhận rõ EPR không phải là một gánh nặng kinh tế mà đó là giải pháp tối ưu kinh tế trong tái chế. Về môi trường, thực thi EPR sẽ giảm thiểu chất thải ra ngoài môi trường. Còn về xã hội, khi thực hiện EPR hiệu quả sẽ mang lại nhận thức cho cộng đồng, nâng cao nhận thức cho người sử dụng và cả doanh nghiệp trong ứng xử tốt hơn với môi trường.

>>>Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam: EPR sẽ là động lực để Việt Nam phát triển nền kinh tế tuần hoàn

Phóng viên: Vậy đẩy nhanh quá trình thực thi EPR tại Việt Nam, ông có kiến nghị nào về mặt chính sách?

Ông Hoàng Thành Vĩnh: Năm 2024, các quy định về thu gom và tái chế bắt đầu có hiệu lực. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm ban hành định mức chi phí tái chế (Fs) và quy định về quản lý nguồn lực EPR. Ngoài ra, sau quá trình thực hiện EPR, cần rà soát, xem xét quy định nào chưa hiệu quả, phù hợp để cập nhật và nếu cần thì sửa đổi cập nhật từ Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Để chính sách về EPR có hiệu lực và đi vào thực tế cuộc sống, cần chuẩn bị rất nhiều. Một trong số đó là chuẩn bị về cơ sở hạ tầng bởi hạ tầng thu gom sản phẩm, vật liệu sau sử dụng vẫn còn đang rất yếu. Thêm vào đó, cần phải xem xét một lộ trình phù hợp khi các chính sách về thu gom và tái chế đã bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay. Trong khi đó các văn bản hướng dẫn còn chậm ban hành.

Đồng thời, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đẩy mạnh các mô hình đã được chứng minh có hiệu quả trong hoạt động thu gom, tái chế, song song với việc nâng cao nhận thức, góp phần giúp cộng đồng tiếp nhận mạnh mẽ hơn các sản phẩm tái chế...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục