Chuyên gia Fitch nhận định về tương lai của thị trường tài chính Việt Nam

17:01' - 08/06/2018
BNEWS Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa nâng mức xếp hạng Nhà phát hành nợ bằng ngoại tệ của Việt Nam (IDR) từ BB- lên BB, với triển vọng ổn định.
Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: Phương Nga/BNEWS/TTXVN

Để tìm hiểu rõ hơn về quyết định này, cũng như triển vọng kinh tế - tài chính Việt Nam trong thời gian tới, phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với hai đại diện của Fitch Ratings là bà Sagarika Chandra, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Việt Nam, và ông Stephen Schwartz, Giám đốc về xếp hạng quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong khuôn khổ diễn đàn kinh tế Việt Nam - "Fitch on Vietnam", được tổ chức tại Hà Nội ngày 8/6.

Bà Sagarika Chandra: Thị trường ngoại hối của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể

Phóng viên: Fitch mới nâng xếp hạng Nhà phát hành nợ bằng ngoại tệ của Việt Nam từ BB- lên BB. Bà có thể nói rõ hơn về những căn cứ để nâng hạng đánh giá này? Đâu là những lĩnh vực Việt Nam có cải thiện nhiều nhất?

Bà Sagarika Chandra: Fitch đã đưa Việt Nam vào nhóm những nền kinh tế có triển vọng tích cực từ tháng 5/2017 và theo quan điểm của chúng tôi, cho đến nay, Việt Nam có nhiều tiến bộ trong duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy dự trữ ngoại hối (nhằm tăng cường khả năng chống chọi rủi ro bên ngoài), cũng như đáp ứng những mục tiêu tài chính cần thiết để đảm bảo mức xếp hạng BB.

Phóng viên Bnews phỏng vấn bà Sagarika Chandra, Chuyên gia phân tích cấp cao của Fitch tại Việt Nam. Ảnh: Phương Nga/BNEWS/TTXVN

Cụ thể, động lực chính của việc Fitch nâng xếp hạng đối với Việt Nam đó là: Sự cải thiện của các chính sách kinh tế tập trung vào đẩy mạnh hoạt động kinh tế vĩ mô; Sự tăng cường nguồn dự trữ ngoại hối thông qua việc chính phủ ban hành cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt từ đầu năm 2016; Và cam kết của chính quyền nhằm hạn chế mức nợ quốc gia cũng như tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (SOE). Hoạt động kinh tế vĩ mô bền vững và tăng cường dự trữ ngoại hối là hai yếu tố quan trọng nhất trong quan điểm xếp hạng của Fitch.

Trong năm 2017, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt mức 6,8%, so với mức 6,2% của năm 2016, được hỗ trợ bởi lĩnh vực sản xuất theo định hướng xuất khẩu và tiếp tục tăng trưởng về dịch vụ. Trên cơ sở trung bình 5 năm, tăng trưởng GDP thực tế vào cuối năm 2017 của Việt Nam đạt 6,2%, cao hơn mức trung bình 3,4% của các nước được xếp hạng BB.

Trong khi đó, thị trường ngoại hối của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong năm 2017, với dự trữ ngoại hối tăng khoảng 12 tỷ USD lên 49 tỷ USD trong năm 2017, từ mức 37 tỷ USD của năm 2016. Bên cạnh đó, nợ chính phủ, theo tính toán của Fitch, cũng giảm xuống chỉ còn 52,4% GDP trong năm 2017 từ mức 53,4 % của năm 2016.

Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nhanh nhất trong số những nền kinh tế có xếp hạng tương tự (BB).

Phóng viên: Theo bà, đâu là những thách thức đối với thị trường tài chính Việt Nam hiện nay? Bà có khuyến nghị gì đối với Việt Nam trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô?

Bà Sagarika Chandra: Dựa trên phương pháp đánh giá của chúng tôi, những yếu tố tiềm năng có thể góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô bao gồm sự kết hợp giữa các chính sách nhằm duy trì chỉ số lạm phát ổn định, hỗ trợ tăng cường hơn nữa dự trữ ngoại hối, cũng như thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ mà không gây ra tình trạng mất cân bằng.

Để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ của Việt Nam cần hướng đến việc duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng bền vững và lạm phát ổn định. Bên cạnh đó, lĩnh vực tài chính công cũng cần được cải thiện thông qua việc cắt giảm các khoản nợ Chính phủ và nợ xấu tiềm ẩn.

Những thách thức còn tồn tại đối với kinh tế Việt Nam bao gồm việc giải quyết những điểm yếu về cơ cấu ngành ngân hàng, bên cạnh việc phòng tránh rủi ro do tăng trưởng quá nóng. Ngoài ra, mức độ thanh khoản cao trong hệ thống ngân hàng có thể dẫn đến biến động thị trường tài chính của Việt Nam, giữa bối cảnh các thị trường tiền tệ toàn cầu đang bị siết chặt, trong khi hoạt động tín dụng trong nước lại tăng trưởng nhanh.

Ông Stephen Schwartz: Triển vọng kinh tế của Việt Nam đầy hứa hẹn

Phóng viên:Tình trạng chủ nghĩa bảo hộ tăng cao, đi kèm với những căng thẳng thương mại leo thang giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới, sẽ gây ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam và Việt Nam cần phải làm gì để tận dụng những cơ hội có thể mở ra?

Ông Stephen Schwartz, Giám đốc về xếp hạng quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Fitch. Ảnh: Fitch Ratings.

Ông Stephen Schwartz: Kinh tế của Việt Nam đang được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn, giúp ngành sản xuất theo định hướng xuất khẩu phát triển nhanh chóng. Do đó, việc tăng cường bảo hộ thương mại toàn cầu có thể làm suy yếu các nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam.

Tuy nhiên, có một yếu tố giảm nhẹ đó là các bạn hàng của Việt Nam rất đa dạng. Vì thế, mặc dù Mỹ và Trung Quốc nằm trong số các nước xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm lần lượt khoảng 21% và 16% tổng xuất khẩu trong năm 2017, Việt Nam cũng phụ thuộc vào các thị trường khác, chẳng hạn như châu Âu (19%) và các thị trường khác ở châu Á.

Xét về triển vọng, chúng tôi cho rằng Việt Nam vẫn sẽ hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài vì lợi thế chi phí sản xuất thấp. Ngoài ra, Việt Nam có vị trí tương đối cao so với những nền kinh tế có cùng xếp hạng BB khác (của Fitch) trong bộ Chỉ số lợi nhuận kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB).

Trong ngắn hạn, Việt Nam thực sự có thể hưởng lợi từ việc chuyển hướng sản xuất, mặc dù về lâu dài, nền kinh tế này, cũng giống như của các nước có định hướng xuất khẩu khác, sẽ phải hứng chịu những tác động tiêu cực nếu một cuộc chiến thương mại kéo dài xảy ra.

Phóng viên:Xin ông hãy đánh giá về vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế châu Á?

Ông Stephen Schwartz: Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ duy trì vị thế của mình là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng với Trung Quốc, Philippines và Ấn Độ.

Mặc dù hiện nay, với mức xếp hạng BB, Việt Nam vẫn cần 2 lần nâng hạng nữa, lên BB+ và sau đó BBB-, trước khi Fitch cho rằng Việt Nam là thị trường đáng đầu tư. Điều này cho thấy tại đây vẫn tồn tại những rủi ro kéo dài đối với ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có tăng trưởng tín dụng nhanh và những vấn đề mang tính cố hữu chưa được giải quyết trong lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh đó là những rủi ro cao về nợ, xuất phát từ các khoản bảo lãnh của chính phủ đối với các doanh nghiệp Nhà nước cũng như chi phí tái cấp vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, những nỗ lực trong các chính sách nhằm tập trung duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cùng những tiến bộ trong phát triển kinh tế bền vững đã và đang là nền tảng để Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ năm 2010. Chúng tôi tin rằng triển vọng kinh tế cũng như vị trí của Việt Nam trong trật tự kinh tế châu Á là đầy hứa hẹn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục