Chuyên gia: Một số lĩnh vực trong nền kinh tế Malaysia cần được cải thiện

22:11' - 13/05/2023
BNEWS Ngày 12/5, phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur đã có cuộc phỏng vấn CEO của Trung tâm Nghiên cứu Thị trường (CME) nhằm đánh giá về tăng trưởng Tổng sản phẩm Quốc nội Malaysia (GDP) trong năm 2023.

CEO của Trung tâm Nghiên cứu Thị trường (CME), tiến sĩ Carmelo Ferlito cho biết ông không dự đoán về GDP vì theo ông GDP chưa phản ánh một cách toàn diện về thực trạng kinh tế của một đất nước.

 

Tiến sĩ Ferlito cho rằng cần phải xem xét các nền tảng kinh tế vi mô bên cạnh các hoạt động vĩ mô. Ông đưa ra ví dụ, nếu một nền kinh tế có mức độ tăng trưởng tốt, song chủ yếu do chi tiêu công của chính phủ bằng số tiền đi vay thì đây là một nền kinh tế đang bước trên con đường rất nguy hiểm.

Do đó, để nền kinh tế phát triển bền vững và tích cực thì cần giảm chi tiêu công của chính phủ. Nếu nhìn vào dữ liệu tăng trưởng GDP của Malaysia trong quý I, mặc dù có thể nhận thấy rằng nền kinh tế Malaysia đang có dấu hiệu phục hồi, song điều này lại được thúc đẩy chủ yếu bởi hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất là nhờ tiêu dùng cá nhân, nguồn vốn đầu tư tư nhân đóng vai trò hạn chế hơn so với đầu tư công của chính phủ. Thứ hai là các ngành sản xuất tăng trưởng chậm hơn so với ngành dịch vụ. Đây là hai yếu tố quan trọng để chính phủ đánh giá và có chiến lược thúc đẩy hơn nữa đầu tư và sản xuất trong thời gian tới. Tiến sĩ Ferlito đánh giá rằng một nền kinh tế chỉ dựa trên tiêu dùng thì không phải là nền kinh tế bền vững.

Trước đó, Tổ chức Tholos có trụ sở tại Mỹ đã công bố nghiên cứu về chỉ số Rào cản Thương mại Quốc tế (TBI) 2023 tại Hội thảo về Đổi mới Sáng tạo năm 2023 do CME tổ chức ngày 10/5 tại đại học Kinh doanh châu Á ở Kuala Lumpur. Báo cáo đánh giá Malaysia hiện xếp thứ 45 trong số 88 quốc gia trên thế giới.

Nghiên cứu phân tích dữ liệu từ 88 quốc gia trên thế giới, trong đó các quốc gia này chiếm 76% dân số và 96% tổng GDP trên toàn cầu. TBI chấm theo thang điểm từ 1-10 (điểm càng cao thì cho thấy quốc gia đó sử dụng nhiều rào cản thương mại) với 4 yếu tố chính là thuế quan, hàng rào phi thuế quan, chỉ số hạn chế và thuận lợi để hoạt động thương mại diễn ra.

Theo chỉ số này, Malaysia đạt 3,88 điểm cao hơn mức trung bình toàn cầu là 3,95, trong khi đó số điểm của Singapore là 2,57.

Theo Tiến sĩ Carmelo Ferlito, mặc dù ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia xếp thứ 2 (sau Singapore) về chỉ số rào cản thương mại trên thế giới, song khoảng cách giữa hai nước lại rất lớn. Trên toàn thế giới, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Indonesia lần lượt ở vị trí 77, 81, 85 và 86, điều này báo hiệu rằng ASEAN cần phải cải thiện hơn nữa các điều kiện thương mại ở khu vực.

Đối với Malaysia, rào cản lớn nhất là trong lĩnh vực logistics, với mức điểm lên tới 5,12, cao hơn so với mức trung bình của khu vực. Theo CME, Malaysia có lợi thế trong sản xuất vi mạch điện tử và chất bán dẫn, song khi ngành logistics còn yếu, khả năng tiếp cận các thị trường lớn sẽ bị hạn chế, cũng như dễ bị các nhóm tội phạm lợi dụng kẽ hở để vượt qua sự kiểm tra của hải quan.

Tại hội thảo, ông Philip Thompson, tác giả của nghiên cứu TBI 2023 cho biết nếu Malaysia có thể cho thấy quốc gia này là một thị trường mở, các quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ cùng chuỗi cung ứng linh hoạt thì Malaysia không chỉ có thể thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài mà còn giúp cho các cuộc đàm phán thương mại trở nên hiệu quả và thực chất hơn, đặc biệt là trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục