Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Quy hoạch điện VIII đa dạng hóa nguồn vốn để phát triển

12:30' - 23/05/2023
BNEWS Để có đủ vốn thực hiện Quy hoạch điện VIII, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện các cơ chế tài chính đặc thù và huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện với quan điểm đa dạng hóa các nguồn vốn.

Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), đây sẽ là cột mốc quan trọng đối với quá trình cải cách và xây dựng chính sách năng lượng quốc gia.

Thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII sẽ củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam với tư cách là quốc gia tin cậy trong phát triển xanh, chung tay với cộng đồng quốc tế thực hiện các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững.

Để hiểu rõ hơn về các giải pháp nhằm thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Ngày 15/5/2023 Chính phủ ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xin ông cho biết một vài điểm nhấn và ý nghĩa của quy hoạch này?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Điện là loại năng lượng đặc biệt, không thể thay thế, là mặt hàng chiến lược, chi phí đầu vào quan trọng, sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và tiêu dùng của dân cư. Thiếu điện dẫn tới sản xuất đình đốn, đảo lộn cuộc sống của người dân.

Với tầm quan trọng đặc biệt của điện, sau 2 năm soạn thảo công phu, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quan điểm này phản ánh tầm nhìn chiến lược trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển đất nước.

 

Đặc biệt, Chính phủ xác định bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy; đồng thời sẽ thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới.

Đây là những điểm nhấn rất ấn tượng của Quy hoạch đặt trong bối cảnh năng lượng hoá thạch đang dần cạn kiệt, sử dụng năng lượng này chịu nhiều tác động của yếu tố chính trị, địa kinh tế.

Phóng viên:Theo ông, các giải pháp Chính phủ đưa ra để thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII trong thời gian tới là gì?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Quy hoạch điện VIII có nội dung rộng, đa dạng; khối lượng công việc rất lớn; phạm vi thực hiện trên toàn bộ lãnh thổ, cả đất liền và trên biển; thời gian thực hiện ngắn.

Để thực hiện thành công Quy hoạch này, Chính phủ đã đưa ra 11 nhóm giải pháp khá cụ thể và chi tiết, bao quát tất cả nội dung về: bảo đảm an ninh cung cấp điện với phương châm đa dạng hóa nguồn nhiên liệu sử dụng cho phát điện, kết hợp hài hòa nguồn năng lượng sơ cấp trong nước và nhập khẩu; phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch; kịp thời cập nhật tiến bộ khoa học - công nghệ trên thế giới về các nguồn năng lượng mới để sử dụng cho phát điện.

Để có đủ nguồn lực tài chính, giải pháp đưa ra là phải đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển điện lực, đảm bảo cạnh tranh trong thị trường điện.

Cùng với đó, Chính phủ tăng cường kêu gọi, sử dụng có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế, các nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh; đa dạng hóa hình thức đầu tư đối với các dự án điện; đồng thời, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện.

Trong những năm qua, Chính phủ đã và đang đẩy mạnh thực hiện cải cách thể chế - một trong ba khâu đột quá quan trọng, tuy vậy, môi trường pháp lý hiện vẫn là rào cản để khơi thông và thúc đẩy các động lực phát triển của nền kinh tế.

Vì vậy, nhóm giải pháp về pháp luật, chính sách để thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được đề cập chi tiết, cụ thể nhằm hoàn thiện khung pháp luật, chính sách về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Phóng viên: Nhóm giải pháp về pháp luật và chính sách có đề cập tới xây dựng thị trường điện cạnh tranh, ông có thể nói rõ về sự cần thiết thực hiện giải pháp này?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Điện là mặt hàng chiến lược quan trọng, khi nguồn cung thiếu và giá điện không hợp lý ảnh hưởng rất lớn tới ổn định vĩ mô, cản trở quá trình phát triển đất nước.

Trong những năm qua, chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra nhanh, tuy vậy chính sách về giá điện chậm thay đổi, không khuyến khích doanh nghiệp thay đổi công nghệ giảm chi phí sử dụng và tiết kiệm điện.

Với phương thức điều hành giá điện hiện nay vô hình chung đang khuyến khích các ngành tiêu hao nhiều điện năng như: ngành thép với công nghệ lò điện, chi phí điện năng chiếm 15% chi phí giá thành sản phẩm; ngành mía đường chi phí điện năng chiếm khoảng 20 - 25% tổng chi phí giá thành sản phẩm.

Chính sách giá điện không đồng hành với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, có ngành là kinh tế mũi nhọn phải chịu giá điện cao để bù đắp cho các ngành khác như: thép, xi măng. Vì vậy, cần xem xét chính sách giá điện cho các ngành kinh tế và tiêu dùng của dân cư.

Khi thị trường điện cạnh tranh được vận hành trong nền kinh tế, mọi rào cản sẽ được xoá bỏ để đảm bảo giá điện minh bạch do thị trường quyết định, các doanh nghiệp ngành điện bảo đảm thu hồi đủ chi phí, có lợi nhuận và tự chủ tài chính; thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế cho phát triển điện. Thị trường điện cạnh tranh cần áp dụng trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối, bán lẻ, sử dụng điện, chống lãng phí điện.

Thực hiện thị trường điện cạnh tranh sẽ là cơ sở để sử dụng công cụ giá thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng điện của các ngành kinh tế; là cơ sở để tách biệt chính sách trợ cấp xã hội trong sử dụng điện ra khỏi chính sách giá điện, xoá bỏ tình trạng bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; không ưu đãi giá điện theo đối tượng sử dụng, Chính phủ sẽ điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường và chính sách an sinh xã hội phù hợp với các tầng lớp dân cư.

Khi nền kinh tế thực hiện thị trường điện cạnh tranh, giá điện sẽ vận hành theo cơ chế thị trường. Với xu hướng phát triển năng lượng tái tạo sẽ là động lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế; đặc biệt huy động vốn của các hộ dân cư trong xây lắp điện mặt trời mái nhà, nguồn điện tự sản, tự tiêu. Đây là một trong những giải pháp xử lý câu chuyện về vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Phóng viên: Thưa ông, Chính phủ cần làm gì để đảm bảo có đủ vốn và nhân lực thực hiện Quy hoạch điện VIII?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Để thực hiện Quy hoạch điện VIII, ước tính giai đoạn 2021-2030 tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD, trung bình 13,5 tỷ USD/năm; giai đoạn 2031-2050 nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 - 523,1 tỷ USD. Đây là những khoản đầu tư rất lớn.

Để có đủ vốn thực hiện Quy hoạch điện VIII,  tôi cho rằng Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện các cơ chế tài chính đặc thù và huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện với quan điểm đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển điện lực. Thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để phát triển các dự án điện.

Một trong những nội dung Chính phủ cần triển khai sớm đó là đưa ra giá điện bù đắp toàn bộ chi phí và có lãi; đồng thời, đầu tư cải tạo toàn bộ lưới điện để tiếp nhận và truyền tải hiệu quả, tránh lãng phí, hao hụt tổn thất điện năng.

Chính phủ cũng sớm ban hành chính sách rõ ràng, minh bạch, cụ thể, đồng thời hỗ trợ về công nghệ để khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà, nguồn điện tự sản, tự tiêu.

Thực hiện Quy hoạch điện VIII, mỗi năm cần 12 tỷ USD đầu tư cho nguồn điện và 1,5 tỷ USD đầu tư cho lưới điện truyền tải. Với phương châm đa dạng hóa hình thức đầu tư đối với các dự án điện. Chính phủ cần tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, thu hút, khuyến khích tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển các dự án nguồn điện. Nhà nước tập trung đầu tư vào lưới điện truyền tải, thuỷ điện tích năng, pin lưu trữ và các dự án nhà nước đang đầu tư, chưa đưa vào vận hành.

Cùng với đó, Chính phủ cần tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực phát điện, truyền tải, phân phối, điều độ, thị trường điện và lưới điện thông minh.

Đặc biệt, Chính phủ cần xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao trong lĩnh vực điện lực; tổ chức đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý ngành điện; đồng thời, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, đa dạng hóa hình thức đào tạo nhân lực, gắn đào tạo với thực tiễn sản xuất, đảm bảo đủ trình độ năng lực vận hành hệ thống điện quy mô lớn, tích hợp tỷ trọng cao các nguồn năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh.

Phóng viên: Để thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII, theo ông, Chính phủ cần thêm những giải pháp gì?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Trước hết, theo tôi, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện môi trường pháp lý, sớm ban hành Luật điện lực sửa đổi; Luật về năng lượng tái tạo; cùng với Quốc hội ban hành một số cơ chế đặc thù, tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện Quy hoạch.

Thời gian thực hiện Quy hoạch không còn nhiều, Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng Kế hoạch chi tiết với lộ trình cụ thể để thực hiện đối với từng hạng mục nguồn điện, lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối.

Cùng với đó, Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan và sự phù hợp của các dự án chậm tiến độ, từ đó, có giải pháp với cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, sớm hoàn thành dự án, đưa vào vận hành, nâng cao hiệu quả đầu tư; đồng thời, đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý ngành điện theo hướng công khai, minh bạch, cạnh tranh, hiệu quả, tăng năng suất lao động, giảm giá thành các khâu, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu thành lập đơn vị chuyên trách, thành viên bao gồm đại diện các bộ, ngành, địa phương liên quan, do Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đồng thời đề xuất các cấp có thẩm quyền áp dụng cơ chế đặc thù khi cần thiết để thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục