Chuyên gia nhận định thế nào về đàm phán thương mại Mỹ- Trung Quốc?

15:31' - 20/05/2019
BNEWS Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã có lúc tưởng như đi đến hồi kết nhưng giờ đây lại bất ngờ leo thang khi cả hai phía trả đũa nhau bằng các biện pháp tăng thuế.
Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc (thứ 4, phải) trong cuộc đàm phán thương mại với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ 3, trái) và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer (thứ 4, trái) tại Washington, DC ngày 21/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyên gia Daniel Russel, Phó Chủ tịch Viện Chính sách thuộc Viện Châu Á, người từng là trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Bắc Á và Thái Bình Dương dưới chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và là một trong các cố vấn của Tổng thống Obama đã có những nhận định riêng về căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại New York, chuyên gia Russel cho rằng tiến trình đàm phán đã diễn ra khá lâu và tín hiệu từ cả Mỹ và Trung Quốc đều cho thấy hai bên đã tiến rất gần đến việc đạt được thỏa thuận, đặc biệt sau chuyến công du tới Trung Quốc của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và sau đó là Phó Thủ tướng Lưu Hạc sang Mỹ.

Các động thái này củng cố niềm tin rằng hai bên sẽ chốt được thỏa thuận và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tuyên bố kết thúc đàm phán, có thể là ở hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến sẽ diễn ra ở Osaka (Nhật Bản) cuối tháng 6.

Tuy nhiên, mọi suy đoán bắt đầu lung lay khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ trừng phạt Trung Quốc bằng việc tăng thuế.

Theo chuyên gia Russel, sau động thái của Mỹ, đoàn đàm phán Trung Quốc vẫn quyết định sang Washington, cho thấy đàm phán đã tiến triển đáng kể với nhiều điều khoản được thống nhất và Trung Quốc thực sự muốn đạt được thỏa thuận với Mỹ.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trung Quốc sau đó đã rời bàn đàm phán sau một ngày rưỡi với thông điệp rằng Trung Quốc không chấp nhận đạt được thỏa thuận bằng mọi giá. Điều này cho thấy có những điều khoản trong thương thảo mà phía Trung Quốc không sẵn sàng chấp nhận.

Sau những diễn biến này, chuyên gia Daniel Russel vẫn tin tưởng chắc chắn hai bên sẽ tiếp tục đàm phán, trước mắt là ở cấp đại diện thương mại vì hai bên đều hiểu họ đã đầu tư quá nhiều cho việc đàm phán nên không thể dừng lại giữa chừng.

Nhưng tiếp tục đàm phán cũng không có nghĩa rằng đàm phán sẽ đạt được kết quả thành công hay Tổng thống Trump có thể nhượng bộ.

Chuyên gia này nhận định Mỹ và Trung Quốc đã không hiểu nhau và tính toán sai. Tổng thống Trump là người rất khó đoán định.

Còn Trung Quốc thì nghĩ rằng tại thời điểm này ông Trump rất cần đạt được thỏa thuận vì những lý do chính trị nên đã sẵn sàng cam kết tăng số lượng hàng sẽ mua từ Mỹ với ý nghĩ rằng như vậy sẽ có được thỏa thuận.

Nhưng thực tế thỏa thuận thương mại mà phía Mỹ muốn đạt được còn phải gồm cả những cam kết thay đổi cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc mà các đời tổng thống Mỹ trước đó đã nhiều lần kêu gọi tiến hành.

Ông Russel cho rằng nếu tiếp tục đàm phán, giữa hai nước vẫn sẽ tập trung 3 vấn đề chính gồm thương mại, công nghệ liên quan đến sở hữu trí tuệ, tiếp cận công nghệ và các quy định luật lệ liên quan tới tính minh bạch và cuộc chiến xung quanh cơ cấu hệ thống, bởi cả hai bên đều muốn giành vai trò ảnh hưởng trên trường quốc tế. Theo ông, vấn đề cuối rất khó nếu không muốn nói là không thể giải quyết được.

Theo chuyên gia này, việc thương thảo giờ đây phụ thuộc rất nhiều vào tính toán chính trị của Tổng thống Trump nhằm chuẩn bị cho bầu cử sắp tới.

Ông Trump sẽ phải tính toán xem có nên tiếp tục đà căng thẳng xung đột với Trung Quốc và giờ là lúc làm sao để có được sự ủng hộ của giới sản xuất nông nghiệp, giới doanh nghiệp, và giới đầu tư chứng khoán của nước Mỹ- những người đã chịu thiệt hại nặng nề do hệ lụy của cuộc chiến thương mại. 

Về cách thương thảo của Tổng thống Trump là tạo sức ép đối với Trung Quốc, tạo ra khủng hoảng và từ đó khiến đối phương phải có tín hiệu xuống nước trước và đạt được nhiều điều khoản có lợi hơn, chuyên gia Russel cảnh báo xét trên mặt quan hệ quốc tế thì chiến lược này rất ít khi thành công.

Việc liên tiếp tạo sức ép có thể khiến đối phương đoàn kết đồng lòng chiến đấu đáp trả và chọn lúc thích hợp nhất để đưa ra đòn trả đũa. Và Trung Quốc có rất nhiều cách để trả đũa nếu muốn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục