Chuyên gia quốc tế hiến kế phát triển bền vững đàn bò Việt Nam

15:23' - 10/05/2016
BNEWS Đầu tư của Australia vào ngành thịt bò Việt Nam tăng mạnh thông qua đầu tư trực tiếp, gián tiếp vào cơ sở hạ tầng trang trại, lò giết mổ và đào tạo kỹ năng cho nhân viên.

Ngày 10/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại sứ quán Australia tại Hà Nội, Hiệp hội gia súc sống, Hiệp hội Thịt và gia súc Australia phối hợp tổ chức hội thảo “Lợi nhuận từ bò sinh sản” nhằm tìm giải pháp phát triển đàn bò của Việt Nam bền vững và tương xứng với tiềm năng.

Ông Michael Patching, Hiệp hội Thịt và gia súc Australia cho biết, hội thảo này là một trong các chương trình hợp tác giữa Chính phủ Australia, Chính phủ Việt Nam và các thành viên của nền nông nghiệp với mục đích hỗ trợ tối đa sự phát triển của ngành bò thịt tại Việt Nam.

Trong 3 năm qua, đầu tư của Australia vào ngành thịt bò Việt Nam đã tăng mạnh, không chỉ trong xuất khẩu gia súc sống mà còn thông qua đầu tư trực tiếp, gián tiếp vào cơ sở hạ tầng trang trại, lò giết mổ và đào tạo kỹ năng cho nhân viên.

Hội thảo quốc tế về giải pháp phát triển bền vững đàn bò Việt Nam. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, Australia luôn hỗ trợ, mong muốn phát triển các khía cạnh khác trong chuỗi giá trị bò thịt, bao gồm cả việc nhân giống, sinh sản cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, hội thảo sẽ cung cấp sự hỗ trợ cho các đơn vị kinh tế đang hoạt động trong các chương trình nhân giống, sinh sản bò để hướng tới mục đích phát triển lâu dài, lợi nhuận bền vững.

Tiến sĩ Lê Bá Quế, Giám đốc Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương cho rằng, để phát triển bò sữa và bò thịt cần tăng cường các chính sách đầu tư của các giống bò sữa và bò thịt, mở rộng chính sách hỗ trợ phối giống bò nhân tạo trong nước .

Đồng thời, tăng cường các chính sách khuyến khích đối với các trang trại bò thịt, bò sữa và mô hình hợp tác trong chăn nuôi ; tăng cường chính sách hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào ngành công nghiệp bò thịt và bò sữa .

Bên cạnh đó, theo ông Quế cần đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu ngành chăn nuôi; lập kế hoạch quỹ đất cho chăn nuôi gia súc tập trung, mở rộng hợp đồng thuê đất ; ưu đãi thuế cho các tổ chức và cá nhân hoạt động trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò thịt và bò sữa nói riêng.

Ngoài ra, tăng nhập khẩu bò đực và bò sữa giống cao sản từ các nước tiên tiến trên thế giới; Tiếp tục cải tiến sản xuất bò thịt và bò sữa ở cả hai hướng nhân thuần và lai tạo. Tăng cường áp lực chọn lọc giống từ Trung ương đến địa phương .

Tiến sĩ Lê Bá Quế cũng lưu ý việc tăng cường hợp tác giữa 4 bên (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông), đồng thời cần phải bảo đảm lợi ích của nhà nông, doanh nghiệp chế biến và người tiêu dùng; tăng năng lực nghiên cứu, thông tin thị trường và dự báo định hướng sản xuất...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, hiện nay, cơ cấu tiêu dùng về thịt của Việt Nam có sự khác biệt so với các nước phát triển. Theo thống kê, cơ cấu thịt lợn tiêu dùng tại Việt Nam chiếm trên 60%, thịt gà trên 20% và thịt bò là 7%. Theo đề án tái cơ cấu, đến năm 2020, cơ cấu thịt bò chiếm khoảng 12%, tuy nhiên, với tốc độ phát triển như hiện nay thì cơ cấu này sẽ thay đổi nhanh.

Trong 3 năm gần đây, nhu cầu về thịt bò của Việt Nam tăng rất nhanh, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, Việt Nam đã nhập khẩu thịt bò của một số nước, đặc biệt là Australia. Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với Australia trong việc kiểm soát dịch bệnh, giết mổ, và các quy định khác của hai nước.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng lo ngại: “Nếu chúng ta cứ mãi nhập khẩu bò thịt, bò sữa thì không bền vững. Bộ đã có định hướng, một mặt đáp ứng nhu cầu trong nước nhập khẩu con giống tốt, mặt khác phải phát triển chủ động bò thịt và bò sữa để đáp ứng nhu cầu trong nước”.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, thời gian qua, có trào lưu các tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò như: tập đoàn Đức Long, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát… đây là xu hướng tốt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục