Chuyên gia quốc tế nhận định về tình hình kinh tế Trung Quốc

09:00' - 16/07/2022
BNEWS Số liệu chính thức được công bố ngày 15/7 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc suy giảm mạnh trong quý II/2022 với tăng trưởng chạm mức thấp nhất hai năm qua.

Điều này làm nổi bật thiệt hại lớn do việc phong tỏa phòng ngừa COVID-19 trên diện rộng, vốn ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất công nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng.

 

Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý II/2022 chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 2,6% so với quý trước đó, giữa bối cảnh Thượng Hải, thành phố lớn nhất nước này, đã bị phong tỏa suốt hai tháng để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng và buộc nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động.

Theo NBS, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 6/2022 đã tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,7% của tháng Năm, nhờ các biện pháp kiểm soát dịch đã được nới lỏng.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ tăng 3,1% sau khi giảm đến 6,7% trong tháng Năm. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm từ 5,9% hồi tháng Năm xuống 5,5% trong tháng trước.

Chuyên gia Marco Sun, trưởng bộ phận phân tích thị trường tài chính thuộc ngân hàng MUFG với trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Tình trạng gián đoạn do COVID-19 đối với các hoạt động kinh tế trong nước rõ ràng hơn trong năm nay. Vì vậy, sự suy giảm theo quý trong quý II đã được dự báo. Hiện đại dịch phần lớn đã được kiểm soát, các hoạt động kinh tế dự kiến sẽ dần trở lại bình thường".

Theo bà Li Wei, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý II vừa qua phù hợp với dự báo tỷ lệ tăng trưởng 0,3% của ngân hàng Standard Chartered, vì vậy ngân hàng “duy trì dự báo tăng trưởng GDP của quý III/2022 và quý IV/2022 không đổi và lần lượt là 5,3% và 5,9% và trung bình 4,1% cho cả năm 2022”.

Bà kêu gọi không thay đổi tỷ lệ lãi suất cho khoản vay trung hạn MLF hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) cho đến cuối năm 2023. Khả năng cơ hội cho chính sách cắt giảm lãi suất sẽ không còn do lập trường ngày càng “cứng rắn” của ngân hàng trung ương, xu hướng tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), và khả năng phục hồi kinh tế Trung Quốc trong sáu tháng cuối năm nay.

Theo chuyên gia của Standard Chartered, ngân hàng kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện đầy đủ hoặc thậm chí vượt quá ngân sách năm nay để duy trì hỗ trợ cho nền kinh tế giữa bối cảnh tiếp tục chịu ảnh hưởng của các biện pháp ngăn ngừa COVID-19 và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Ông Ho Woei Chen, chuyên gia kinh tế của UOB tại Singapore (Xin-ga-po) cho biết các chỉ số cơ bản của tháng Sáu cho thấy đà phục hồi khá tốt. Mảng bán lẻ phục hồi nhanh khi so với đầu năm 2020, thời điểm mà ngành này cần hơn sáu tháng để quay trở lại tỷ lệ tăng trưởng.

Tuy nhiên, chuyên gia của UOB nói: “xét về nửa cuối năm nay, ban đầu chúng tôi khá lạc quan, nhưng có vẻ như Trung Quốc có nhiều vấn đề đang nổi lên. Trung Quốc tiếp tục đối mặt với thách thức về số ca mắc COVID-19 tăng trở lại. Thị trường bất động sản đầy bi quan và nguy cơ khủng hoảng nếu Trung Quốc không quản lý đúng cách”.

Về chính sách tiền tệ, chuyên gia của UOB nhận định Trung Quốc sẽ thực hiện nhiều hành động từ khía cạnh tài khóa, điều này có một chút khó khăn bởi gia tăng khoảng cách tài khóa.

Nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu phục hồi chậm chạp sau những cú sốc gián đoạn về nguồn cung do các lệnh phong tỏa trên diện rộng để phòng chống dịch, bất chấp những khó khăn đối với tăng trưởng vẫn còn, đến từ thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng, tiêu dùng yếu và lo ngại về bất kỳ đợt bùng phát lại COVID-19.

Trung Quốc đang tăng cường các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế, mặc dù giới phân tích cho rằng mục tiêu tăng trưởng chính thức khoảng 5,5% cho năm nay sẽ khó đạt được nếu không thực hiện chiến lược “Không COVID” nghiêm ngặt của nước này.

Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản, một trụ cột của nền kinh tế của Trung Quốc, vẫn còn lung lay và chi tiêu của người tiêu dùng trong nước ở mức yếu đồng nghĩa với việc các động lực tăng trưởng truyền thống của vẫn ở mức thấp chưa đủ mạnh. Việc đổi mới trong thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ cần thời gian để phát huy tác dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục