Chuyên gia VCI: Việt Nam có thể đóng vai trò trong đa dạng hóa chuỗi cung ứng

06:00' - 02/10/2020
BNEWS Cuộc khủng hoảng COVID-19 đòi hỏi việc thiết lập một hệ thống kinh tế mềm dẻo và thích ứng thông qua việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và Việt Nam có thể đóng vai trò trong tiến trình này.

Đây là nhận định của Tiến sỹ kinh tế Pierre Groning, Trưởng đại diện văn phòng Brussels của Hiệp hội công nghiệp hóa của Đức (VCI) khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với toàn cầu hóa và kinh tế Việt Nam.

Phóng viên: Kinh tế thế giới đang chứng kiến sự suy yếu của toàn cầu hóa do những tác động của đại dịch COVID-19. Có ý kiến cho rằng COVID-19 đã dẫn tới xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa. Ông có nhận xét gì về quan điểm này?

Tiến sỹ Pierre Groning: Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu và làm quá tải các dịch vụ y tế. Ngoài ra, thế giới đã chứng kiến sự biến động trong hoạt động của chuỗi cung ứng, đặc biệt là ngành công nghiệp dược phẩm. Điều này cho thấy sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu (EU) vào Trung Quốc. Cụ thể là châu Âu không đủ khả năng để sản xuất khẩu trang, chất khử trùng và các thành phần dược phẩm để đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã làm quan hệ thương mại trở nên căng thẳng. 

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đã cho thấy những biện pháp khi phải đối mặt với những yếu tố bấp bênh của toàn cầu hóa. Trước tiên, đó là việc thiết lập một hệ thống kinh tế mềm dẻo và thích ứng thông qua việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, cần phải thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do cũng như tăng cường hệ thống thương mại đa phương.

VCI ủng hộ ý tưởng về một sáng kiến quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại của các sản phẩm y tế, do Ủy viên thương mại của EU Phil Hogan thúc đẩy, bên cạnh một nhóm đối tác của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 

Hơn nữa, tăng cường hợp tác pháp lý trong các lĩnh vực quan trọng, như trang thiết bị bảo hộ y tế, có thể tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại giữa các quốc gia. Một vấn đề quan trọng khác là việc xây dựng một mô hình tự chủ chiến lược của châu Âu cho phép lưu trữ các sản phẩm thiết yếu mà không làm mất hiệu quả kinh tế của chuỗi cung ứng vừa mang tính toàn cầu vừa đa dạng.

Phóng viên: Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Theo ông, xu hướng trên có tác động như thế nào tới kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam hiện nay và trong tương lai?

Tiến sỹ Pierre Groning: Do hậu quả của cuộc khủng hoảng hiện nay, việc đánh giá lại các quốc gia cung ứng sẽ được thực hiện để tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đa dạng hóa không nhất thiết là di dời các chuỗi sản xuất khỏi lãnh thổ một quốc gia hay khu vực. VCI ủng hộ các bước đi cần thiết cho một trật tự kinh tế dựa trên các giá trị của thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương.

Bên cạnh đó, có thể thấy tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động số hóa các công ty. Việc triển khai công nghệ đóng vai trò quan trọng hơn cho sự linh hoạt của mỗi doanh nghiệp.

Nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp, có thể cung cấp các ưu đãi kinh tế cho các công ty muốn “hồi hương” sản xuất về châu Âu nếu cần thiết. Trong các trường hợp khác, nguồn cung nguyên liệu cần phải được đảm bảo thông qua đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và các hiệp định thương mại tự do mới.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, Việt Nam có thể đóng vai trò trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và có khả năng chiếm thị phần từ nước láng giềng Trung Quốc. Hơn nữa, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), bởi hiệp định này mở ra cơ hội mới để tăng sự hiện diện của người chơi Việt Nam tại thị trường chung châu Âu.

Phóng viên: Những xu hướng kinh tế trong trật tự kinh tế thế giới mới là gì và ông đánh giá tác động tích cực và bất lợi như thế nào về các xu hướng kinh tế này như thế nào?

Ông Pierre Groning: Triển vọng toàn cầu vẫn rất không chắc chắn. Sự phục hồi kinh tế toàn cầu có vẻ không ổn định và dễ bị tổn thương trước một đợt bùng phát dịch tiếp theo.

Một mặt, chúng ta có thể thấy căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc gây nguy hiểm cho trật tự kinh tế toàn cầu. Sự không chắc chắn này đang khiến người chơi châu Âu phải xem xét lại mạng lưới thương mại của mình. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để dự đoán những hậu quả có thể xảy ra. 

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 gây ra những bất ổn lớn đối với việc quay trở lại lối sống cũ. Tồn tại rủi ro của việc lưu lượng đi lại sẽ vẫn giảm cũng như sự bấp bênh về sản xuất an toàn đè nặng chuỗi cung ứng. Do đó, triển vọng đầu tư trong điều kiện biến động như vậy có thể bị hạn chế.

Mặt khác, khi quan sát các xu hướng dài hạn, có thể nhận ra xu hướng số hóa sẽ tiếp tục phát triển, thậm chí là rất mạnh. Ví dụ sự phát triển của thương mại điện tử hoặc cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực nghiên cứu và sáng tạo sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của toàn cầu hóa.

Để giảm bớt những điều không chắc chắn này, điều cần thiết là phải ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và giảm thiểu hậu quả kinh tế thông qua các biện pháp như tránh phong tỏa diện rộng và đảm bảo sự tiếp tục của các hoạt động kinh tế và sản xuất.

Bên cạnh đó, các nước cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng kế hoạch phục hồi nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và đổi mới, bao gồm cả công nghệ xanh.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục